Một trong những vấn đề “nhức nhối” dễ nhầm lẫn và khiến bạn cảm thấy “ngán” khi phải chạm mặt đó là “anh bạn” Delay của chúng ta. Vậy Delay là gì mà phức tạp đến vậy? Trong bài này, ADAM Muzic sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về “anh bạn” này để giúp chúng ta có cái nhìn khái quát và dễ dàng hơn nhé.
DELAY TỪ ĐÂU MÀ RA?
Thật ra khái niệm Delay có từ rất sớm, đó là khi các đài radio thuê mạng dây điện thoại phát ra một tín hiệu tới một khoảng cách khá xa rồi tín hiệu đó sẽ quay lại để tạo ra độ trễ vài mili giây cho tin hiệu gốc, sau đó họ sẽ mix tín hiệu trễ này với tín hiệu gốc để giúp âm thanh của họ rõ hơn.
Đến đầu những năm 60, khi băng từ lên ngôi, các kỹ sư âm thanh đã thử nghiệm việc tạo ra delay dựa trên một hệ thống ghi trễ lên băng từ. Theo cách này, họ sẽ viết một đoạn âm thanh trên một chiếc băng từ, sau đó sẽ phát chiếc băng đó trong một chiếc máy mà có nhiều đầu đọc cách nhau, dẫn việc đọc sẽ trễ hơn với nhau ở các đầu, chính sự chênh lệch này sẽ tạo ra delay.
Một phát minh khác, là việc viết một đoạn âm thanh trên đoạn băng sau đó phát âm thanh này ngược lại vào đầu ghi và ghi đè lên đoạn viết cũ, tất nhiên đoạn viết mới này cũng sẽ trễ hơn so với âm thanh gốc ban đầu, điều này sẽ giúp tạo ra nhiều delay lặp lại hơn.
CÁC KHÁI NIỆM DELAY
Chúng ta cùng tìm hiểu qua một số khái niệm/thông số của Delay nhé
- Delay time
Là thời gian giữa tín hiệu gốc và tin hiệu delay phát lại. Thông thường, khi bạn sử dụng một hiệu ứng delay, thì thời gian delay của tín hiệu gốc sẽ hoàn toàn giống nhau từ đầu tới cuối, nhưng trong thực tế một số trường hợp người ta dùng nhiều kiểu delay khác nhau cho một tín hiệu sẽ làm cho delay trở nên khác biệt và không có một qui luật nào cả.
Delay time tính bằng mili giây, nhưng trong phần mềm, người ta thường qui ước dựa trên tốc độ bài hát, hay còn gọi là tempo (beat per minute) và độ dài của nốt nhạc để tính toán.
Ví dụ: như trong hình vẽ, tempo của bài hát là 60, nghĩa là cứ 1 giây sẽ là 1 nhịp, delay của bạn set ở ¼ ô nhịp, nghĩa là delay sẽ phát 4 lần trong ô nhịp hay nói cách khác delay sẽ đánh 4 nhịp trong 1 ô. Như vậy, khi bạn sét như trên thì cứ 1 giây bạn sẽ nghe 1 tín hiệu delay vang lên đến khi nào hết feedback. Tương tự giả sử bạn set delay 1/8 nghĩa là delay của bạn sẽ vang lên bằng một nốt móc đơn, như vậy cứ 1 giây sẽ có 2 tín hiệu delay vang lên,…
- Feedback
Nếu Delay time qui định khoảng cách tín hiệu delay vang lên thì Feedback qui định số lần lặp lại. Khái niệm này hơi giống với Decay bên Reverb nhỉ :). Feedback nhỏ nhất là 1.
- Modulation
Là nơi bạn có thể thay đổi cao độ của nốt nhạc bạn đánh ra, hiệu ứng này sẽ giúp bạn tạo ra một tín hiệu delay dày và tròn trịa hơn, thường dùng để tạo ra tiếng đồng ca (Chorus) khi âm thanh trực tiếp kết hợp với bản sao của nó.
MỘT SỐ KIỂU DELAY
Có vô số các kiểu Delay khác nhau, nhưng trong phạm vi bài này chúng ta cùng tìm hiểu một số dạng Delay thông dụng nhé:
- Slapback
Đây là kiểu Delay với thời gian lặp lại rất ngắn, thông thường chỉ bằng một nhịp (feedback =1). Kiểu delay này thường dùng trong nhạc Blue, country và thường áp dụng cho ghita để tạo độ vui nhộn cho bài hát.
- Doubling
Đây là một trong những effect khá phù hợp cho Vocal, theo cách này, delay một nhịp lại được áp dụng nhưng Delay time lại giảm đến mức rất thấp, làm cho người nghe cảm tưởng không có delay.
- Longer Delay
Trái với Doubling, trong Longer Delay, delay time được set ở các nốt có trường độ dài
- Pingpong Delay
Theo cách này, Delay sẽ được set 2 kênh trái phải trong một lần lặp lại với delay time khác nhau cho mỗi kênh sẽ tạo cảm giác âm thanh chạy từ phải sang trái hoặc từ trái sang phải.
Và một điều ghi nhớ cuối cùng đó là bạn không nên bị hạn chế bởi hiệu ứng. Bạn hãy khám phá nhiều cách kết hợp để sử dụng và có nhiều cách sáng tạo khác nhau để bạn có thể tạo nên thương hiệu riêng của mình.
Hình ảnh – Google