Perfect pitch hay “cao độ hoàn hảo” là khả năng cực hiếm để xác định một nốt nhạc mà không cần bất kỳ tham chiếu nào.
Perfect pitch là gì?
Như đã mở đầu ở trên, những người có Perfect pitch thậm chí có thể xác định cao độ của các âm thanh được tạo ra bởi những vật dụng khác nhau như chuông cửa hoặc còi xe. Ước tính cứ 10.000 người thì chỉ có xấp xỉ 5 người sở hữu khả năng này. Stevie Wonder, Mariah Carey, Charlie Puth… là một số nghệ sĩ nổi tiếng đã thể hiện một cách rõ ràng khả năng này của họ.
Ngoài ra còn có một loại cao độ hoàn hảo khác phổ biến hơn, được gọi là “cao độ hoàn hảo thụ động”. Những người có cao độ hoàn hảo thụ động tuy không thể tái tạo các nốt nhạc bất kỳ theo yêu cầu. Nhưng họ vẫn có thể nói cho bạn biết chính xác nốt nhạc mà họ vừa được nghe.
Xem khả năng Perfect pitch của Charlie Puth:
Các yếu tố quan trọng trong việc luyện tập Perfect pitch
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra câu trả lời về việc liệu có thể học cao độ hoàn hảo hay không. Nhưng họ đã xác định được cao độ hoàn hảo có thể phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng sau:
Tuổi
Các nhà khoa học ban đầu từng nghĩ rằng, cao độ hoàn hảo chỉ phát triển thông qua quá trình đào tạo âm nhạc diễn ra từ bé. Họ cho rằng người lớn không thể học được cao độ hoàn hảo vì đã qua giai đoạn phát triển này. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã dần lung lay niềm tin này của họ.
Não bộ, thần kinh
Não bộ của những người có cao độ hoàn hảo được cấu tạo khác với những người không có nó. Những người có cao độ hoàn hảo được cấu tạo với vỏ não thính giác (vùng não được cho là để xác định cao độ của nốt nhạc) dày hơn. Giúp họ dễ dàng xử lý các bản nhạc một cách tốt hơn.
Tự kỷ
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc chứng tự kỷ thường dễ sở hữu cao độ hoàn hảo hơn. Trẻ em với chứng tự kỷ trong độ tuổi từ bảy đến mười ba có thể phân biệt cao độ giữa các phím khác nhau và ghi nhớ giai điệu lâu hơn so với trẻ em bình thường ở cùng độ tuổi này.
Ngôn ngữ
Cao độ hoàn hảo phổ biến hơn ở các quốc gia có ngôn ngữ thanh điệu. Đó là những ngôn ngữ mà các thanh điệu khác nhau mang lại cho các từ những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như tiếng Trung hoặc tiếng Việt. Một nghiên cứu năm 2005 cho biết 60% trẻ em có ngôn ngữ đầu tiên là tiếng Quan Thoại (tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn) và học nhạc từ năm bốn tuổi có cao độ hoàn hảo. Nhưng nghiên cứu tương tự với trẻ em có ngôn ngữ đầu tiên là tiếng Anh lại chỉ cho ra con số 14%.
Nhiều bạn hẳn sẽ thắc mắc vậy tại sao khả năng này lại ít thấy ở người Việt. Lý do đến từ việc đào tạo âm nhạc ở nước mình còn đi sau thế giới. Nhưng với tình hình hiện tại, hy vọng Việt Nam sớm sẽ có nhiều nhân tài âm nhạc hơn.
Bài tập cải thiện tai nghe cao độ (Pitch) của bạn
Một nghiên cứu khác năm 2013 của các nhà khoa học tại Đại học Chicago đã xác định rằng: nếu chăm chỉ luyện tai, người trưởng thành không chỉ có thể học và nhớ các nốt nhạc mà còn xác định được chính xác chúng nhiều tháng sau đó. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng, sự phát triển của cao độ hoàn hảo phụ thuộc nhiều vào cả đào tạo âm nhạc và trí nhớ thính giác, cũng như sự chú ý về mặt tri giác.
Nốt nhạc tham chiếu
Tìm một nốt nhạc bất kỳ, đánh nó trên bàn phím và xác định cao độ. Lắng nghe, hát lên, và tiếp tục luyện hát nốt đó cho đến khi bạn có thể hát chính xác nó mà không cần nghe tham chiếu trên bàn phím. Tập luyện ngày này đến ngày khác cho đến khi bạn làm được. Rồi bổ sung thêm các nốt khác vào danh sách Perfect pitch của bạn.
Tại sao bạn cần cải thiện tai nghe cao độ?
Chưa nói đến cao độ hoàn hảo, là một khả năng hiếm có ở con người. Cao độ tương đối là khả năng bạn hoàn toàn có thể rèn luyện và trang bị cho mình. Nó giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện khả năng ca hát và cảm âm của bạn. Giúp bạn tránh được các lỗi như chênh phô, vào lạc nốt hay lên tone sai… Lâu ngày bạn sẽ nghe được những âm thanh hay, những cách xử lý tinh tế để rèn luyện và sử dụng. Nói tóm lại là rất cần thiết nếu bạn muốn đi lâu dài với âm nhạc.
Chỉ cần dành ra khoảng 10 phút mỗi ngày để tập luyện. Bạn không nên quá căng thẳng và mong chờ kết quả. Vì vấn đề về cảm nhận và tai nghe thì cần nhiều thời gian rèn luyện hơn thanh nhạc. Bạn cũng có thể tải về các ứng dụng hoặc xem các video với từ khoá “ear training” để làm mới các bài tập của mình. Học nhạc lý và môn ký xướng âm cũng là điều rất tốt để bạn hiểu rõ hơn về các nốt nhạc. Chúc các bạn sớm có một tai nghe âm nhạc thật xịn!
Tham khảo thêm về cảm âm và Perfect Pitch:
https://www.masterclass.com/articles/what-is-perfect-pitch#1L3DpIkWbi66cQw6anWnmy
Nguồn bài viết tham khảo: Masterclass.com