Xin chào quý đọc giả, trước đây ADAM MUZIC đã từng giới thiệu đến các bạn về sự ra đời, sự ứng dụng và sự ảnh hưởng của bài cổ nhạc nổi tiếng Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (hay còn gọi là ông Sáu Lầu).
Từ bản Dạ Cổ Hoài Lang
Dạ Cổ Hoài Lang là một nền tảng, đặt tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ cho nghệ thuật cải lương. Từ bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu, các đồng nghiệp cùng thời và thế hệ hậu sinh đã phát triển, biến hóa khôn lường thành những câu vọng cổ, bài bản cải lương đi vào lòng người. Điều đó diễn ra như thế nào xin mời quý đọc giả xem bài viết dưới đây.
Nhắc đến cải lương mà không nhắc đến Dạ Cổ Hoài Lang là một thiếu sót rất lớn. Người đầu tiên đưa Dạ Cổ Hoài Lang lên sân khấu cải lương là soạn giả Nguyễn Trọng Quyền trong vỡ Bội Phu Quả Báo (tức Quả báo cho người chồng phản bội) vào năm 1923 với 20 câu hát.
Nói qua về soạn giả Nguyễn Trọng Quyền. Ông sinh năm 1876 tại làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên. Ông là con của ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh. Trong suốt 50 năm tuổi nghề, ổng đã sáng tác 85 vở tuồng cải lương, trong đó có những tuồng nổi tiếng như Phụng Nghi Đình, Vạn Huê Lầu…..Là những vở tuồng kinh điển cho dù những người không phải là dân mộ điệu cải lương cũng đã từng nghe qua những danh từ riêng này. Ông cũng chính là thầy dạy đờn, dạy hát trực tiếp cho những nghệ sĩ gạo cội Năm Châu, Phùng Há,…
Nguyễn Trọng Quyền đã nhìn ra sự bị thương đến kịch tính của bài Dạ Cổ Hoài Lang. Nhân vật Lý Ngọc Thơ trong tuồng Bội Phu Quả Báo đã ca bài Dạ Cổ Hoài Lang rất cảm động. Kể từ đó, Dạ Cổ Hoài Lang dần thay thế bài Tứ Đại Oán vốn là hồn cốt của cải lương suốt một thời gian dài sau đó. Tứ Đại Oán gồm có 4 điệu (Đại Oán, Phụng Cầu, Phụng Hoàng, Giang Nam) dùng để diễn tả những nội dung thể hiện sự uất nghẹn, đớn đau. Nếu các bạn có biết đến cải lương ít nhiều hãy để ý những phân đoạn viết về sự phẩn uất, than oán, chua xót đều có một giai điệu khá giống nhau, đó là Tứ Đại Oán.
Tứ Đại Oán trong Lan và Điệp
Tứ Đại Oán trong Khóc Phận
Bản Dạ Cổ Hoài Lang vốn nguyên bản được viết ở nhịp 2 cho 1 câu, rất chậm và buồn đến nao lòng, rất hợp với tình cảnh của nhạc sĩ Cao Văn Lầu lúc bấy giờ. Nhưng chính vì thế sẽ hạn chế rất nhiều khi các soạn giả muốn đưa thêm nội dung vào một câu. Lúc này, việc nới nhịp chính là một bước ngoặc quan trọng trên con đường phát triển của cải lương. Từ nhịp 2, các soạn giả nới thành nhịp 8, rồi nhịp 16, nhip 32, nhịp 64. Tức là trong 1 câu có thể hát ít chữ hoặc nhiều chữ, nhiều nhịp. Điều này rất phù hợp với tính chất của nghệ thuật cải lương, rất phóng khoáng. Các soạn giả có thể thoải mái soạn ca tư, giai điệu, lúc chậm lúc nhanh, lúc ít chữ, lúc nhiều chữ để diễn tả muôn hình vạn trạng cung bậc cảm xúc của vở tuồng rất đầy đặn.
Chính sự biến hóa này đã khiến cho vọng cổ trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật cải lương. Người xưa có câu: “Phi vọng cổ, bất thành cải lương”. Cũng chính vì có sự biến hóa này đã là một vùng trời trong lòng, thuận hòa cho nhiều ngôi sao sân khấu ra đời. Cùng 1 bản vọng cổ mà không ai hát giống ai, không ai chơi đờn giống ai. Các nghệ sĩ tự tạo ra cái nét riêng, cái đặc thù riêng để vụt sáng.
Ngày nay tuy rằng, nếu chúng ta là những người mới tiếp xúc nghệ thuật cải lương. Thì chúng ta gần như không thể nghe ra đâu đó dáng hình âm thanh của bài Vọng Cổ Hoài Lang vì sự biến hóa qua hơn 100 năm. Thế nhưng Dạ Cổ Hoài Lang chính là tiền đề, là thành tố quan trọng nhất cho sự phát triển của cải lương.
Đến quy luật của tạo hóa
Trong dòng âm nhạc hiện tại, cải lương gần như không thể tỏa sáng cả một vùng trời nước Nam như thuở xưa. Thay vào đó là những thể loại âm nhạc hiện đại rất được lòng khán giả. Nhưng theo một quy luật của biểu đồ hình Sin, những giá trị nào đạt đến đỉnh điểm sẽ bắt đầu bảo hòa và thoái trào. Con người sẽ lại bắt đầu tìm về những giá trị, những tinh hoa nguồn cội. Và những điều tưởng chừng như đã lụi tàn nay lại bật dậy với một sức sống ngày càng mãnh liệt.
Chúng ta có thể thấy các game show về cải lương ngày càng hấp dẫn vì kết hợp được với yếu tố giải trí vui nhộn, công nghệ hiện đại. Văn hóa cổ truyền cũng dần quay trở lại màn ảnh rộng với những góc quay đẹp đến mê hồn trong phim Dạ Cổ Hoài Lang đã lấy đi nước mắt không ít các bạn trẻ. Hay gần đây nhất là phim Song Lang mang đậm màu sắc hoài cổ. Gần với cận đại hơn, những MV ca nhạc, những phong cách thời trang đang dần quay lại với phong cách Vintage, Retro vô cùng tinh tế, đẹp mắt. Và cùng với công nghệ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh hiện đại ngày nay, các giá trị văn hóa này lại càng trở nên lung linh sống động hơn bao giờ hết. Thỏa mãn phần nghe lẫn phần nhìn từ đó mang lại sự yêu thích cho khán thính giả.
Và cuối cùng, thông qua bài viết về cải lương này, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ (dù chính tôi cũng chỉ mới 29 tuổi) một điều. Chính mỗi bản thân chúng ta đây, khi còn trẻ thì cái gì mới, cái gì theo kịp phong trào cũng được chúng ta săn đón. Thế nhưng, theo bước chân thời gian và vòng xoáy cuộc đời, chúng ta học được quá nhiều những bài học về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đây là những giá trị cốt lõi của một con người luôn muốn hướng mình đến và hướng con cháu mình đến. Liệu rằng những điều này chúng ta có thể bắt gặp ở đâu? Ở những phong trào hợp thời nhiều hơn hay ở
những tinh hoa văn hóa?
Các bạn có nhận ra rằng, đôi lúc chúng ta bắt gặp một giai điệu xưa, có thể là cải lương, có thể gần hơn là những ca khúc trữ tình, chúng ta lại cảm thầy mình là một người rất khác. Cũng là gương mặt trẻ trung đó, thân xác cường tráng đó, khoác trên người những bộ cánh sành điệu, những phụ kiện hợp thời nhưng sao trong lòng lại có một chút lắng đọng, một chút trầm tư của tuổi trẻ.
Dễ hiểu thôi! Vì tôi chắc rằng, sẽ có lúc, những bạn trẻ (như tôi đã từng) sẽ dần dần tìm ra những sự đồng cảm trong những phút gì vô tình tiếp cận những giá trị văn hóa ngược dòng thời đại. Vì những giá trị văn hóa này vốn xuất phát từ những gì sâu thẩm nhất luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi con người. Cho dù ở bất kỳ thời đại nào, dân tộc nào, quốc gia nào, điều này là bất biến vì không ai có thể thay đổi quá khứ. Nên sẽ có lúc, những người trẻ sẽ phải già, đó là điều tất yếu trong quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Và đó là lúc những giá trị truyền thống sẽ là người bạn thấu hiểu tâm tư của chúng ta nhất.
Bạn tin điều đó chứ? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời!
Biên soạn: Quân Nguyễn
Phát hành: ADAM MUZIC