Tiếp theo chúng ta hãy cùng tìm hiểu về pha thở ra (chính là quá trình hát, nói) trong hai pha của việc hít thở trong khi ca hát. Bạn có thể xem lại bài Nguyên lý chung về hơi thở tại đây, và bài hướng dẫn chi tiết về pha hít vào tại đây.
Nhắc lại các yếu tố của pha thở ra hiệu quả:
- Pha thở ra duy trì đủ dài để đáp ứng câu hát
- Thả lỏng và thư giãn
- Khi thực hiện có đầy đủ kĩ năng để điều tierb hơi thở theo ý mình.
Chú ý, trước khi tập về pha thở ra, chúng ta phải đảm bảo đã có thể thực hiện pha hít vào hiệu quả rồi, các bạn có thể bấm vào link tại đây để xem lại bài về pha hít vào nhé!
- Pha thở ra đều đặn và thả lỏng:
a. Bài tập Hissing (tập xì) cực kì phổ biến:
Nếu bạn đã quan tâm đến kĩ năng thanh nhạc thì chắc hẳn bạn đã nghe về bài tập này một lần. Đây là bài tập phổ biến trong tập hơi thở.
Đầu tiên bạn lấy hơi đúng cách, hiệu quả và thả lỏng
Kế tiếp bạn bắt đầu xì hơi, bằng cách cắn hai hàm răng trên và dưới lại nhẹ nhàng, đồng thời lưỡi thả lỏng để sau hai hàm răng, không để thụt vào trong, cũng không cố nâng lên hay hạ xuống thấp.
Bạn hãy tạo tiếng xì thật đều, không quá lớn, cũng không quá nhỏ, chú trọng vào sự thả lỏng và đều đặn. Đừng để làn hơi bị đứt gãy, hay giựt, không đều. Thực hiện càng lâu càng tốt.
Bài tập Hissing được sử dụng phổ biến – Nguồn ảnh: Youtube – Kênh Berlee Online
2. Bài tập tối đa thả lỏng:
Trong trường hợp bạn quá căng thẳng, thường cảm thấy thân thể gồng và áp lực trước khi hát hoặc là biểu diễn, đây chính là bài tập phù hợp với bạn.
Duỗi thẳng hai tay và gập người về phía trước (bạn không cần cố chạm ngón tay và mũi bàn chân), khi đó thân thể bạn sẽ bắt buộc phải thả lỏng, tất cả căng thẳng của các cơ ở vùng bụng, và cổ, cũng như vai hoàn toàn không còn.
Bạn lấy hơi thật thư giãn, vì vai và ngực không còn cơ hội để nâng lên, nên chắc chắn lúc này cơ hoành của bạn hoạt động rất tích cực
Bước kế tiếp bạn hãy thở ra thật chậm, đây chính là mấu chốt của bài tập. Bạn sẽ thấy nhịp tim chậm lại, cơ thể buông bỏ tất cả căng thẳng
Thực hiện đến khi bạn cảm thấy thư giãn và bình tĩnh trở lại. Đây cũng là một bài tập thả lỏng quen thuộc của bộ môn yoga.
Bài tập yoga để thư giãn quen thuộc, cũng là bài tập hơi hiệu quả
Nguồn ảnh: verywellfit.com
b. Pha thở ra kéo dài:
Đây đồng thời cũng là bài tập của pha hít vào nhanh, không tạo tiếng lớn mà ở bài trước đã đề cập.
Bài tập lấy hơi nhanh dưới 1 giây và xì hơi liên tục 15 giây. Bạn chỉ cần chú ý thả lỏng khoang miệng, mũi, cả phần cổ, đừng để các ống hít thở của bạn bị căng thẳng và thắt lại, như vậy bạn sẽ không tạo tiếng lớn, mà chỉ có tiếng nhỏ tự nhiên.
Bạn có thể kéo dài pha thở ra liên tục 20 – 30 giây. Lặp lại 5 lần liên tiếp hít vào thở ra như vậy.
Bài tập này giúp cơ thể bạn quen với thói quen sử dụng hơi thở mới, trong đó pha hít vào nhanh và hiệu quả, pha thở ra được duy trì kéo dài.
3. Pha thở ra với lực nén và nhiều năng lượng:
Bài tập chú trọng vào việc sử dụng cơ thẳng bụng nén vào bên trong nhằm trợ giúp lực bật hơi của bạn khi thực hiện các đoạn cao trào trong bài hát. Đồng thời, nếu bạn cảm thấy mình thường thụ động, nhút nhát, thiếu tự tin và sôi nổi, đây chính là bài tập dành cho bạn.
Lấy hơi và bắt đầu bật hơi bằng tiếng xì, ngắt quãng, mạnh và dứt khoát.
Chú ý cơ thẳng bụng thực hiện nén vào trong giống như cảm giác khi bạn ho
Thực hiện 30 -50 tiếng xì, không nên làm quá lâu, bạn sẽ bị sóc hông. Nên tăng số lần lên từ từ, không nên đột ngột làm quá nhiều.
Bài tập xì hơi ngắt quãng còn có tên gọi là Staccato Breathing – Nguồn ảnh: Youtube – Singing Strong with Mary Mirtschin
4. Bài tập kết hợp tạo âm thanh và làm đều làn hơi:
Những bài tập phía trên tập trung vào làn hơi một cách rõ ràng. Tuy nhiên cơ thể cũng cần làm quen với việc tạo ra âm thanh trong quá trình thở ra. Đó chính là mục đích cuối cùng của ca hát.
Bài tập rung môi là bước đầu để bạn thực hiện điều này.
Rung môi, tạo tiếng, và thả hơi thật đều.
Đòi hỏi tiếng rung môi đều, không bị ngắt quãng. Điều này sẽ bắt buộc cơ thể bạn làm việc để điều tiết làn hơi đều đặn vừa phải và kéo dài. Bởi vì đơn giản khi bạn đẩy quá mạnh tiếng rung môi sẽ rất gằn và bạn nhanh hết hơi, ngược lại nếu đẩy quá nhẹ, môi sẽ không thể rung.
Bởi vậy đây chính là bài tập điều tiết hơi và âm thanh phổ biến mà chúng ta nên luyện tập.
Với tất cả những kiến thức và bài tập trên mình tin rằng các bạn sẽ cải thiện pha thở ra của mình rất nhiều. Cuối cùng chỉ còn cần phần chăm chỉ luyện tập ở các bạn!
Nhật Thanh