Phân biệt các dáng đàn guitar và các tiêu chí lựa chọn
Một trong những điều đầu tiên khi bạn chọn lựa một cây guitar để sử dụng có lẽ là âm thanh của nó. Có rất nhiều yếu tố tác động đến âm thanh của cây guitar. Đó có thể là những yếu tố đã quá quen thuộc với bạn như loại gỗ, cách xử lý gỗ, loại dây mà bạn sử dụng… Hoặc những yếu tố mà bạn ít được nghe nói đến như: chất liệu làm mặt fretboard, độ to của miệng lỗ, loại phím đồng được gắn trên cần đàn của bạn,…
Bài viết này đề cập đến một yếu tố không kém phần quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua trong việc lựa chọn âm thanh ưng ý cho cây đàn của bạn – đó là dáng đàn thùng (guitar body/body shape). Bằng việc cung cấp thông tin về sự khác nhau của các loại dáng đàn với những ưu nhược riêng của nó cùng những thông tin liên quan, ADAM Muzic hi vọng sẽ mang đến một số thông tin hữu ích, làm nền tảng cho việc lựa chọn một ‘người chiến hữu’ thích hợp cho mình sau này.
1. Parlour
Parlour (hay Parlor) là tên gọi của một loại dáng đàn có kích cỡ nhỏ hơn bình thường với phần vai tương đối dốc và thiết kế thon gọn ở phần eo. Đây cũng là dáng đàn nhỏ nhất mà bạn có thể mua được vào thời điểm đó. Kiểu mẫu này được sản xuất để đáp ứng nhu cầu của những tay guitar ưu chuộng tính nhỏ gọn khi sử dụng và thuận lợi khi di chuyển.
Hệ tiếng của Parlour thích hợp cho những người chơi sử dụng nhiều kỹ thuật móc hơn là quạt. Âm thanh của những cây đàn nhỏ này được đánh giá là sáng, tiếng chắc và khá tinh tế.
Một ví dụ cụ thể về sự gọn nhẹ của cây Parlour qua phần trình diễn của Ian Anderson, những cây đàn khác với thùng đàn to nhiều khả năng sẽ cản trở ông thực hiện đoạn solo sáo ở giữa bài.
2. Auditorium, grand Auditorium, Orchestra Model
Trên đây là tên gọi của ba loại dáng đàn riêng biệt, nằm trong nhóm “cỡ trung” và được sắp xếp theo thứ tự tự nhỏ đến lớn về kích thước.
Nhìn chung hệ tiếng của các loại dáng cỡ trung thiên về dải tần middle, tức là âm thanh không quá sáng như Parlor, bass cũng không quá sâu và dày như các dáng thùng lớn khác. Nhưng cũng chính vì vậy mà những cây guitar thuộc nhóm này lại tạo ra được những chất âm riêng biệt, hệ tiếng đều đặn, âm lượng hợp lý và cân bằng.
3. Dreadnought
Tên của dáng đàn này được đặt theo một chiếc tàu chiến ở Anh và nó được thiết kế bởi CF Martin – một cây đại thụ trong làng guitar thùng.
Với cấu tạo vai tròn (hoặc vuông), thùng đàn lớn và eo không bóp quá sâu, dòng đàn này nổi bật với hệ tiếng đa dạng, có thể sử dụng cho nhiều dòng nhạc khác nhau. Đó cũng là lý do nó trở thành một dáng đàn thông dụng nhất trên thế giới. Thêm vào đó, dải bass dày của Dreadnought hỗ trợ rất tốt cho chất giọng của người ca sỹ và biến nó thành một công cụ cực kỳ thích hợp cho việc đệm hát (nhất là khi bạn sử dụng phím) (xem thêm cách đệm hát với guitar tại đây) .
Một đại diện không thể thiếu trong gia đình dreadnought là seri Songwriter Deluxe của hãng Gibson. Dòng dreadnought này đã thiết lập nên một chuẩn mực mới cho đàn thùng hiện đại bằng cách kết hợp kinh nghiệm từ những năm 1930 và kỹ thuật tân tiến của thời hiện đại. Đây cũng được xem là cây guitar tốt nhất trong tầm giá và thường được giới chuyên môn sử dụng làm thước đo khi muốn so sánh và chọn lựa những seri dreadnought khác.
4. Jumbo
Một cây Jumbo rất dễ được nhận biết qua phần eo được bóp khá sâu, thùng đàn tương đối lớn (so với vóc dáng người Việt Nam) và đây cũng là thiết kế có kích thước lớn nhất trong dòng đàn chính.
Với những đặc điểm cấu tạo như trên, Jumbo thường được lựa chọn bởi những tay guitar chuộng dải bass sâu, dày, tiếng vang to, rõ,.. Đó cũng là những đặc điểm mà những dáng đàn cỡ nhỏ và cỡ vừa không đáp ứng được.
Các tiêu chí lựa chọn:
Đối với những bạn yêu thích trường phái móc dây và chủ trương chơi những dòng nhạc êm ái dễ chịu thì nhóm dáng đàn thùng nhỏ (Parlor, OO) có lẽ sẽ là sự lựa chọn hợp lý cho bạn. Cần đàn của nhóm này cũng thường được làm rộng hơn để tay phải có thể dễ dàng móc dây và xử lý bản nhạc thuận tiện hơn.
Ngược lại, dòng guitar được sử dụng để quạt thì cần thùng đàn lớn để tạo ra chất âm dày, to và vang. Khi đó thì Dreadnought hoặc Jumbo lại là chọn lựa tốt hơn cả. Với kích thước lớn và hệ tiếng chắc khỏe, Dreadnought và Jumbo dễ dàng tìm được một chỗ đứng riêng trong một Rock band hoặc Country Band mà âm thanh hoàn toàn không bị lép vế bởi các nhạc cụ khác. Và đương nhiên, cần đàn của nhóm này sẽ được thu hẹp lại để phù hợp với các kỹ thuật sử dụng phím hơn.
Cuối cùng, nếu bạn hâm mộ Tommy Emmanuel với những kỹ thuật fingerstyle điêu luyện của ông thì nhóm dáng đàn cỡ trung sẽ chứng tỏ được những điểm mạnh của chúng với bạn. Đây là nhóm dáng đàn giúp bạn thoải mái sử dụng cả những kỹ thuật móc dây và quạt trên cùng một cây đàn mà chất tiếng vẫn đều đặn và đạt độ cân bằng tốt.
Tommy trong bản Classical Gas với cây Maton EGB808TE nổi tiếng của mình
Lời kết
Trên thực tế, có rất nhiều dáng đàn khác nhau với những ưu và khuyết điểm riêng. Bài viết cũng không tham vọng cung cấp cho bạn mọi hiểu biết về các loại dáng đàn mà ở đây đơn giản chỉ là những kiến thức về những dáng đàn chính và các kỹ thuật chơi liên quan,… Hi vọng những thông tin trên, kết hợp với những kiến thức bạn đã biết sẽ hỗ trợ bạn trong việc đưa ra những lựa chọn hợp lý và chính xác hơn khi lựa chọn một cây guitar ưng ý cho mình.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các thông tin thú vị về guitar tại trang ADAM Muzic, bạn có thể xem thêm các bài viết về: fretboard, phím gãy đàn, cách bảo quản đàn guitar bằng cách nhấn vào các từ khóa.
- Biên soạn: Nguyên Lắc.
- Phát hành: ADAM Muzic
- Source:
1/ Acoustic guitar body types – Chris Corfield
http://www.dawsons.co.uk/blog/acoustic-guitar-body-types
2/Acoustic Guitar Body Types – Main Differences (Suggested Genres)
http://music.stackexchange.com/questions/7781/acoustic-guitar-body-types-main-differences-suggested-genres
3/ What are the Different Acoustic Guitar Body Types – Nate