Cải lương là gì?
Cải lương là một loại hình nghệ thuật đàn hát bắt nguồn từ cơ sở là những bài dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ.
Dân ca thì đã trở nên hết sức quen thuộc với mọi người. Vậy còn nhạc lễ là gì? Đây là loại nhạc xuất phát từ cung đình. Ban đầu đơn thuần là sự biểu diễn của các loại khí nhạc, được dùng trong các lễ phong quan tiến chức, ma chay, cúng tế trong cung đình nên gọi là nhạc lễ.
Nhạc lễ theo bước chân những người khai hoang theo phong trào Cần Vương vào nam khai khẩn đất mới. Qua nhiều thăng trầm, nhạc lễ được biến hóa nhiều hơn để kết hợp với các làn điệu dân ca miền nam và gần như thoát ly khỏi các âm luật của nhạc lễ cung đình. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thấy sự tương đồng trong nhạc lễ và cải lương chính là dàn khí nhạc luôn bao gồm rất nhiều loại nhạc cụ và có các chơi, các giai điệu rất rắc rối. Nếu không am hiểu hoặc nghe không quen tai thì tưởng chừng như các nhạc cụ này khi chơi chẳng liên quan đến nhau và cũng không liên quan đến người hát.
Đã có nhạc thì phải có người hát. Chắc các bạn đọc giả cũng đã nghe qua danh từ “đờn ca tài tử”.
Chúng ta thường nghĩ ngay đây là loại hình âm nhạc của miền Nam, nhưng thực chất đờn ca tài tử là danh từ nói chung ám chỉ việc đàn hát của những người nghệ sĩ có tài. Nhưng đờn ca tài tử thời xưa được xem là một loại hình nghệ thuật mang tính bác học với nhiều âm luật phức tạp và nhiều nguyên tắc. Chính vì vậy khi đi vào miền Nam, với lối sống phóng khoáng, không thích ràng buộc, đờn ca tài tử dần cải biên các bài bản ngày càng bay bổng, tự do hơn kèm theo cách hát cũng khác đi, mang hơi thở của sự tự do tự tại, vùng vẫy trong không gian âm nhạc của riêng mình.
Nói về các bài bản trong đờn ca tài tử, là nguồn gốc để phát triển cải lương thì vốn bài rất phong phú. Ban đầu “chỉ có” 20 bản làm gốc được gọi là 20 bản nhạc tổ được đưa từ nhạc lễ đưa sang. Sau đó là những bài được cải biên và những bài được sáng tác mới của các bậc tiền nhân cũng như hậu bối. Việc thống kê cho đến nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi vì sự giống nhau trong điệu thức cũng như sự ra đời, hướng phát triển của những bản nhạc. Ước chừng đã có gần 100 bài bản được thống kê.
Tuy nhiên, thuộc và nắm rõ 20 bản nhạc tổ mới chỉ được gọi là có căn bản. Khi nào thông suốt được hơn 72 bản mới gọi là cao siêu….Giống 72 phép thần thông biến hóa của Tề Thiên Đại Thánh nhỉ.
Nhưng tất cả những điều trên đang chỉ là những gia tài dân gian, theo bước chân con người mà đi đến vùng đất mới. Vậy làm sao để trở thành một loại hình nghệ thuật đại chúng như bây giờ?
Sự hình thành của cải lương
Để một loại hình nghệ thuật ra đời và trở thành một bộ môn nghệ thuật phát triển rộng lớn cần có 4 yếu tố: có tác phẩm, có lực lượng biểu diễn, có phong cách riêng và các tổ chức sinh hoạt.
Đờn ca tài tử nam bộ dần hội tụ đủ 4 yếu tố này và thêm vào đó là nhu cầu rất cao của người dân trong việc thưởng thức một loại hình âm nhạc phù hợp với bản tính, cuộc sống của mình. Đờn ca tài tử ban đầu chỉ là những buổi gặp gở, tụ họp mang tính chất nhỏ và gần như không có sự di chuyển. Dần dần để minh họa sắc nét hơn, phong phú hơn các biểu cảm nhằm phản ánh được thực tế, hay nội dung tưởng tượng, đờn ca tài tử đã có bước chuyển mình sang sân khấu biểu diễn.
Và khi lên sân khấu rộng lớn, tuy âm nhạc là không thể thiếu những trung tâm sân khấu lúc này lại là các nghệ sĩ biểu diễn nên cần phải có những động tác và di chuyển để không “chết sân khấu” hay sân khấu bị đơ, bị trống vắng. Từ đây, hình thành loại hình nghệ thuật Ca Ra Bộ, tức là ca hát và có diễn tả ra điệu bộ. Chính là nguồn gốc loại hình nghệ thuật biểu diễn cải lương để phân biệt với phong cách đờn ca tài tử.
Cải lương là loại hình nghệ thuật ca kịch chứ không phải nhạc kịch. Vì soạn giả không sáng tác ra giai điệu nhạc mà chỉ soạn lại lời lẽ theo các bài bản có sẵn sao cho phù hợp với ý đồ của mình.
Nói là soạn theo bài bản có sẵn nhưng soạn giả vẫn có thể biến hóa từng nốt nhạc, ca từ, âm sắc, thanh điệu sao cho hợp với bài bản là được. Không chỉ biến hóa ở nốt nhạc mà còn có thể thay đổi nhịp phách, co giãn trường độ, cắt gọt sao cho hay nhất có thể. Điều này dễ hiểu thì giống như trong âm nhạc hiện đại, chúng ta có thể có vô số cách thêm thắt, luyến láy, ngân nga trong một vòng hợp âm để tạo ra sự khác nhau. Để làm được điều này cần sự am hiểu tinh thông về âm luật, sự cấu tạo của bài bản không hề đơn giản. Nhưng nhìn chung, do phải viết trên cùng những bài bản sẵn có nên vẫn để lại trong người nghe một cảm giác giống nhau trong giai điệu.
Tạm kết
Qua đây chúng ta có thể thấy cải lương không phải là một bộ môn nghệ thuật đơn thuần là âm nhạc dân gian mà nó là cả một hệ thống kiến thức bài bản chuyên nghiệp được tính toán để tôn vinh lời ca tiếng đàn. Trong những bài viết sau chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn cấu tạo về bài bản cải lương cũng như cách hát, cách diễn, trang phục vô cùng đẹp mắt và phong phú.
Biên soạn: Quân Nguyễn
Phát hành: ADAM MUZIC
Nguồn ảnh:
Chờ cú bật giúp cải lương hồi sinh, Tố Tâm, [Aug 30th, 2018], http://sdtv.vn/vn/cho-cu-bat-giup-cai-luong-hoi-sinh.html, [March 1st, 2019]
Festival đờn ca tài tử Nam Bộ, H.Bình, [March 27th, 2017], https://baomoi.com/fesstival-don-ca-tai-tu-nam-bo-2017-bao-ton-va-phat-trien/c/21871576.epi,
[March 1st, 2019]
Nhã nhạc, kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, www.nhanhachue.com, http://khamphahue.com.vn/kham-pha/di-tich-di-san/newsid/8BAFE8CC-AAA7-48F6-B60E-69D24A7F06DA/cid/BA1043D4-9239-49FC-8317-A7C800B560FE?tid=Nha-nhac-%E2%80%93-Kiet-tac-phi-vat-the-va-truyen-khau-cua-nhan-loai,
[March 1st, 2019]