Nội dụng bài viết
Ca sĩ Whitney Houston không còn là cái tên quá xa lạ với các bạn yêu âm nhạc thích những ca sĩ theo hướng vocalist. Cô gây quen thuộc với các ca khúc nổi tiếng như I will always love you, I have nothing,… Những ca khúc được cô hát, cho dù là hát lại hay là do cô đồng sáng tác đều mang một hơi thở rất mới và rất “Whitney“.
Trong đó có một ca khúc mà bản thân BiAy khi nghe qua cảm thấy ấn tượng về kỹ thuật xử lý thanh nhạc cũng như bản phối và bản thân bài hát cũng hay không hề kém cạnh các bài hát kinh điển trên, mà có thể rất ít người để ý và biết đến. Đó là ca khúc “I’m every woman”.
Thông qua bài hát trên, hãy cùng BiAy luyện tập nhanh cảm thụ âm nhạc ở một vài điểm nổi bật thông qua bản phối, phong cách âm nhạc cũng như cách xử lý bài hát của Whitney Houston nhé.
1. Nội dung ca khúc về tình yêu nhưng đơn thuần không chỉ là tình yêu
Bài hát được viết ở nhịp 4/4, viết theo phong cách thuần disco với tiết tấu sôi động.
Ca khúc là lời tự sự của một người con gái có phong thái tự tin có thể mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, sẵn sàng dâng hiến và sẽ là chỗ dựa cho người mình yêu. Mặc dù trong vai trò là phái yếu, nhưng khi đã rơi vào lưới tình thì chúng tôi – những cô gái tưởng chừng yếu đuối lại rất mạnh mẽ thậm chí có thể bảo vệ ngược lại cho nửa kia của mình:
“Anytime you feel danger or fear
Then instantly I will appear, ’cause
I’m every woman
It’s all in me”
Nhưng nếu hiểu sâu hơn, bài hát không chỉ đơn thuần về nói về tình yêu mà đó là cả một phong trào lịch sử về nữ quyền.
Vào những năm cuối thế kỷ thứ 18 – đầu thế kỷ thứ 19, phong trào biểu tình của các chị em về bình đẳng giới trong ngành dệt may lan rộng từ New York (Mỹ), qua tới các nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ. Sau đó lan dần qua khắp Châu Âu. Để rồi đến vào những năm 1975-1977, Liên Hợp Quốc công nhận sự đóng góp của phụ nữ trong xã hội và chọn ngày 8/3 trở thành ngày quốc tế phụ nữ.
Có lẽ chính vì thế mà các ca khúc trong giai đoạn này đều mang hơi thở thời đại về giải phóng nữ quyền. Và ca khúc “I’m every woman” cũng chính là những ca khúc như thế.
Ca khúc như một lời tự sự, khẳng định về vị trí của phụ nữ trong tình yêu cũng như trong cuộc sống. Vừa mãnh liệt, vừa dịu dàng cũng như luôn luôn tự tin rằng mình có khả năng làm tốt mọi thứ: từ công việc xã hội đến công việc gia đình.
“I’m every woman
It’s all in me
I can read your thoughts right now
Every one from A to Z”
2. Một ca khúc được cover lại theo một cách quen mà lạ:
Nếu bạn đã là người yêu quý giọng ca của Whitney Houston chắc hẳn đã nghe qua câu: “ Nếu để mợ Quýt (tên thân mật các fan gọi Whitney) hát lại bài hát của bạn, thì đó sẽ không còn là bài của bạn nữa”.
Lấy ví dụ như bản tình ca kinh điển “I will always love you” thực chất là ca khúc được cô hát lại của nữ tác giả Dolly Parton.
Cùng nghe qua thử bản gốc của ca khúc này dưới đây nhé.
Các bạn thấy thế nào. Rất khác so với bản của Whitney hát đúng không nào. Có thể nói chính cách xử lý của cô đã mang lại một hơi thở mới cho bài hát và thậm chí làm cho rất nhiều người tưởng rằng bài hát này cô có tham gia sáng tác.
Ca khúc “I’m every woman” cũng là một ca khúc như thế.
Được sáng tác bởi bộ đôi vợ chồng nhạc sĩ người Mỹ Ashford & Simpson và sản xuất bởi Arif Mardin. Thu âm và phát hành vào năm 1978 nằm trong album debut cùng tên của nữ ca sĩ Chaka Khan. Sau đó đã được Whitney Houston hát lại. Nằm trong album nhạc phim “The Bodyguard” phát hành vào năm 1993. Được hòa âm phối khí bởi Narada Michael Walden David Cole và Robert Clivillés. (thông tin tại en-wikipedia).
Nhờ vào bản phối mới này mà ca khúc một lần nữa trở thành “big hit” ở trong thế hệ mới. Đứng thứ 4 ở bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong 7-8 tuần phát hành và xếp hạng thứ 40 liên tiếp trong 19 tuần.
Thật là một thành tích đáng nể phải không nào. Và cũng thật không ngoa để nói rằng: sự thành công một lần nữa của ca khúc này một phần là dựa vào tư duy âm nhạc của Whitney. Ở mỗi một bản live của bất kì bài hát nào cô đều “làm mới” nó theo cách riêng của mình.
Đơn cử như bản live trên, mặc dù giọng hát có chút mệt và khàn nhẹ, vì có thể đã là cuối buổi concert, nhưng cách cô xử lý bài hát vẫn đảm bảo sự máu lửa và chất lượng.
Để ý từ 0:17, cách vào giai điệu câu đầu bài hát của cô cũng đã hoàn toàn khác so với bản thu âm. Ở 3:30-3:38, có một điều đặc biệt, thay vì đoạn này sẽ là đoạn lấy đà để lên nốt cao “I got it“. Nhưng không, cô đã dùng khả năng cảm âm tuyệt vời của mình và kỹ thuật luyến láy (melisma) để feel câu hát theo phong cách latin pop mà không phải theo phong cách R&B thường thấy. Cùng nghe thử 1 bài hát mang phong cách này để cảm nhận rõ hơn nhé.
Latin Pop là dòng nhạc xuất phát từ gốc Mỹ Latin. Được phổ biến rộng ở Châu Mỹ và Châu Phi mang một tinh thần vui tươi, hứng khởi và “nhảy múa”. Dễ nhận biết nhất để nghe ra phong cách này chính là tiếng của bộ gõ (tiếng trống, tiếng kick của bộ trống) và cách láy nốt riêng biệt khi hát.
Đến đây bạn đã nhận ra được điều đặc biệt chưa nào? Whitney biết giọng hát mình không còn đủ khỏe để hát quá cao ở đoạn này nên cô chọn cách hát “tư duy”. Cô feel theo điệu trống bằng style Latin trong concert tổ chức tại Châu Phi (Africa), như một cách bảo toàn màn trình diễn tốt hơn và giúp phù hợp với bối cảnh biểu diễn hơn.
3. Làm mới ca khúc bằng xử lý tư duy và kỹ thuật mang phong cách riêng:
Hãy cùng nghe bản gốc trước nhé:
Ngay phần đầu bản phối của bản gốc, các nhạc cụ gồm tiếng trống, guitar bass, piano đã vào thẳng theo hợp âm của nhạc disco mà không lòng vòng. Nhìn chung “lớp lang” sắp xếp hòa âm của ca khúc cũng không thay đổi nhiều mà vẫn giữ một mạch tiết tấu như vậy.
So sánh với bản của Whitney, hãy cùng chú ý từ ngay từ giây đầu tiên đến 0:58.
Bước vào phần mở đầu của bài là tiếng đánh rất “mộc”, nhẹ nhàng của piano, có phần “long lanh” thổn thức. Sau đó là giọng ca của Whitney vang lên:
“What ever you want…” một cách đầy tự sự. Có thể thấy đây là câu hát biến tấu mới hoàn toàn so với bản gốc. Như một câu dẫn dắt của bài trước khi đi vào nội dung chính – đúng như phong cách ca hát của Whitney mà ta thường thấy : kể chuyện, tự sự và đong đầy tình cảm.
Whatever you need
Anything you want done, Baby, I’ll do it, naturally
‘Cause I’m every woman (every woman)
It’s all in me
Yeah!
Đoạn đầu của ca khúc này được viết thêm bởi chính Whitney, làm cho ca khúc có thêm 1 điểm nhấn mới lạ. Cảm nhận sâu hơn một chút về kỹ thuật xử lý của cô trong ca khúc này. Ta thấy từ giây đầu tiên đến giây thứ 11, khi tiếng nhạc cụ đổ vào, cô sử dụng giọng hơi (airy) kèm theo một chút luyến láy (run&riff) mang phong cách R&B để dẫn vào câu hát. Cả câu hát cô rất khéo léo vận dụng linh hoạt hơi thở mạnh nhẹ khác nhau để bỏ nhỏ từng câu chữ.
Bắt đầu từ giây thứ 16, khi cô hát ” Whatever you want, whatever you need” cô chọn cách xử lý bằng giọng hơi. Rồi sau đó nâng dần lực hát (dynamic) để nhấn mạnh khẳng định ý nghĩa câu hát “Anything you want done, Baby, I’ll do it,naturally”. Nhằm truyền tải cảm giác thì thầm thủ thỉ vào tai người mình yêu, cực kì tinh tế nhưng cũng không kém phần chắc chắn:” Bất kể những gì anh cần và anh muốn có được, em đều có thể trao cho anh.”
Về phần hòa âm, nếu để ý kỹ hơn, vì tính chất giọng của cô là mẫu giọng Spinto-Mezzo Soprano nên sẽ có một độ đanh và đô dày nhất định và có đôi chút “khô cứng”. Để tránh âm sắc giọng của cô bị tương phản với tinh thần của câu hát lúc đầu là một lời tự sự nhẹ nhàng trong trẻo của một cô gái khi yêu. Các nhạc cụ khi sử dụng để phối ở phần đầu đều là những nhạc cụ có dãi tần nằm ở phần âm cao (treble) tạo cảm giác như tiếng chuông lảnh lót đang vang lên. Với mục đích bổ trợ thêm cho giọng hát của cô và phát huy tối đa ý đồ nội dung mà cô muốn truyền tải.
Đến giây thứ 58 của bài, tiếng trống kèm tiếng kick được đánh rất nảy, liên tưởng đây dường như là tiếng đập thổn thức của trái tim vậy. Rồi sau đó các nhạc cụ mới dẫn vào bài từ từ để truyền tải giai điệu chính.
Ở câu hook của bài “ I’m every woman. It’s all in me”. Cô có cách xử lý rất riêng so với các đoạn khác: hát legato (hát liền nốt) dàn trải hơn, tiết tấu của câu hát cũng chậm rãi hơn…, làm cho người nghe dễ ấn tượng hơn về câu hát, cũng như ghi nhớ dễ hơn về tựa đề của bài hát.
Đến 3:56 câu hát “I’m every woman” được vang lên liên tiếp nhau bởi dàn nữ tốp ca, làm tăng thêm hiệu ứng ghi nhớ câu hát bằng hình ảnh cho khán giả. Vâng, đúng thế chúng tôi khẳng định chúng tôi chính là “I’m every woman”.
Nhìn chung kỹ thuật xử lý của bài hát này không có gì quá phức tạp, vẫn là cách hát tự sự thường thấy của Whitney, nhưng bằng một số điểm nhấn trong phong cách của cô mà bài hát lại có thêm một hơi thở hoàn toàn mới lạ, khác biệt so với bản gốc. Đây là một ca khúc dành cho các bạn muốn tăng tính thẩm mỹ trong âm nhạc nên nghe để luyện tập thêm.
Lời kết: Trên đây vừa là bài viết nhanh phân tích về ca khúc “I’m every woman”. Trong một bài hát, sẽ còn rất nhiều thứ để mổ xẻ, phân tích ở nhiều khía cạnh như bản phối, ý tưởng âm nhạc…
BÀI VIẾT MANG QUAN ĐIỂM PHÂN TÍCH CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ.
TÁC GIẢ BÀI VIẾT: BIAY