Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

6 cách kiếm tiền từ sản phẩm âm nhạc

6 cách kiếm tiền từ sản phẩm âm nhạc

6 cách kiếm tiền từ sản phẩm âm nhạc

Xin chào các bạn! Hôm nay ADAM Muzic sẽ gửi đến các bạn một bài viết, cũng là một chủ đề được nhiều học viên ADAM Muzic Academy và các bạn trẻ yêu âm nhạc quan tâm, đặt câu hỏi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết 6 cách kiếm tiền từ sản phẩm âm nhạc ngay sau đây nhé!

Tôi chia sẻ đôi chút về 4 lý do khiến tôi cần viết bài viết này:

  • Quá nhiều cha mẹ cho rằng ngành nhạc là ngành khó sống, khó có tương lai và “xướng ca vô loại”
  • Quá nhiều ca sĩ nghĩ rằng khả năng kiếm tiền nhiều nhất của họ là đi diễn sô (show)
  • Quá nhiều nghệ sĩ nghĩ rằng làm nghệ thuật là phải thuần nghệ thuật và không nên thương mại
  • Quá nhiều học viên, người yêu nhạc hỏi tôi làm thế nào để kiếm được tiền từ âm nhạc.

Trước tiên, cần làm rõ vấn đề “kiếm tiền”. Tôi quan niệm làm nghệ thuật cũng cần có tâm sức, tài trí, năng lực, tời gian… để tạo ra một sản phẩm có giá trị chất lượng. Do đó, việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng và phù hợp với năng lực và công sức đã bỏ ra chẳng có gì là sai.

Tôi nghĩ ngành âm nhạc trên thế giới gần 100 năm nay đã như thế. Người ta đã quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người sáng tạo từ những năm 1920. Vì thế, trên thế giới mọc lên như nấm các hãng đĩa (record label). Họ bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ và đương nhiên với mục đích là “kiếm tiền”.

Chúng ta cũng không nên nhìn vấn đề “kiếm tiền” như một sự tiêu cực trong nghệ thuật. Kiếm tiền ở đây không phải ở góc độ phi nghệ thuật. Bản thân các nghệ sĩ phải cố gắng hết sức để làm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Đáp ứng nhu cầu giải trí và đời sống tinh thần của xã hội. Nghệ sĩ phải kiếm được tiền và thậm chí kiếm nhiều là đằng khác.

Số tiền đó dùng để đầu tư vào việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất (đối với các nhạc sĩ sản xuất) hay học âm nhạc, đầu tư vào trang phục, hình ảnh (đối với nghệ sĩ biểu diễn)… Tôi thường gặp nhiều bạn bè của mình trong giới nghệ thuật. Một số đã thành công, nổi tiếng, một số khác vẫn bình lặng, nhưng số ít trong đó thật sự sống được với nghề. Đa phần thường rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt là các nhạc sĩ thiên về mảng sản xuất, ghi âm, rồi từ đó, lại cho rằng nghề này nó bạc.

Tôi tự hỏi, tại sao nghệ sĩ chúng ta phải khổ thế? Sao không nghĩ đến cách làm nó có giá trị và đòi hỏi các giá trị từ sản phẩm chúng ta làm ra? Có người thì ngại va chạm. Có người không có kinh nghiệm về vấn đề này. Có người lại đánh đổi những sản phẩm của mình để được danh tiếng. Rất khó nói ai đúng, ai sai. Do vậy, bản thân tôi chỉ cố gắng hết sức đi trên con đường mình chọn, khi con đường rõ ràng hơn, mọi người sẽ cùng hướng theo. Như hiện nay, không ít những nghệ sĩ đã dần hướng về ngôi nhà chung ADAM Muzic. Đây chính là một niềm vui thôi thúc chúng tôi càng cố gắng nhiều hơn.

Hết giờ lan man, 6 cách kiếm tiền là đây:

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Bán đĩa

Cách này quá truyền thống, ai cũng biết. Nhưng ở Việt Nam đĩa lậu tràn lan không ai kiểm soát đúng trách nhiệm. Và giờ đây việc mua đĩa cũng gần như tuyệt chủng trong thế giới internet. Mọi thứ đã ở trên mây (cloud) để các bạn nghe trực tiếp (stream). Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm ra một sản phẩm âm nhạc chất lượng với một bao bì đẹp mã. Ít nhất bạn cũng bán được cho người thân, bạn bè và những người hâm mộ trung thành (Fan).

Hãy nhớ nhé, “BÁN” chứ không có tặng. Vì bạn đã phải bỏ rất nhiều công sức để có được thành phẩm đó. Và nếu bạn bè, người thân của bạn trân trọng thành quả đó, họ sẽ mua ủng hộ bạn. Đừng xem thường giá trị này. Một đĩa bán 50.000đ với số lượng 1000 đĩa là bạn đã thu hồi được 50.000.000đ doanh thu rồi đấy, nó đủ để bạn trang trải các chi phí của dịch vụ thu âm.

Album đẹp mắt của nhóm nhạc SNSD

2. Kiếm tiền từ các kênh nghe nhạc online

Nhiều nghệ sĩ có tư duy cho mấy kênh online phát để khán giả nghe miễn phí. Mình được nổi tiếng rồi kiếm tiền từ biểu diễn. Tư duy này khiến chúng ta cứ phải lao động cả đời, có hát mới có tiền. Trong khi đó, giá trị sáng tạo của một sản phẩm nghệ thuật kéo dài đến tận 50 năm sau khi người nhạc sĩ sáng tác qua đời. Nghĩa là bạn cứ phải đi hát đến cuối đời mới có tiền để sống, còn những người đang phát nhạc của bạn miễn phí thì hưởng quyền lợi thụ động.

Như vậy, thay vì để họ phát miễn phí, hãy yêu cầu họ tính phí nghe hoặc tải xuống. Như vậy, bạn luôn nhận được quyền lợi của mình trên mỗi lượt nghe hay tải xuống. Đây chính là thu nhập thụ động, bạn đi tắm, uống cà phê, ăn trưa, thậm chí đi ngủ thì tiền vẫn tiếp tục chảy về. Đọc đến đây sẽ có nhiều bạn trẻ với tư duy “xài chùa” cảm thấy khó chịu. Thiết nghĩ, bạn hãy bỏ ra vài nghìn đồng để tải một bản nhạc về, ủng hộ cho nghệ sĩ phát triển. Nếu bạn không thể bỏ ra khoảng tiền đó, thì đừng bao giờ chê bai nhạc Việt và nghệ sĩ Việt dù chỉ một chữ.

Điều quan trọng tiếp theo, nghệ sĩ phải biết xây dựng thế đàm phán với các kênh âm nhạc online. Phải đảm bảo quyền lợi của bạn từ việc phát nhạc, sử dụng âm nhạc online được minh bạch và công bằng. Ít nhất bạn phải được 20%, nếu dưới, tốt nhất không nên kí thỏa thuận vì nó không đáng. Nếu là tôi, tôi sẽ đòi ít nhất 50%. Vì đây là tài sản của bạn, bạn có quyền ra giá và có quyền cấp phép sử dụng.

Thử tính đơn giản với một ca khúc được chia tỉ lệ 20%. Các trang nhạc đang bán nhạc với giá 2.000đ. Như vậy, nếu ca khúc này được tải 10.000 lần, bạn sẽ được (2.000đ x 20%) x 10.000 lần = 4 triệu đồng. Con số này có vẻ nhỏ, nhưng hãy tính trên số dân hiện tại của Việt Nam (khoảng 90 triệu dân).Bạn sẽ ra một con số khổng lồ 36.000.000.000 (36 tỉ).

Tất nhiên, không thể nào có đủ nhiêu đó dân số tải nhạc của bạn và trả phí. Nhưng hãy cứ ước mơ, bạn chỉ cần 1% con số trên là đã thành công lắm rồi. Một điều chắc chắc là nếu muốn hòa nhập vào cộng đồng chung thế giới thì dân Việt buộc phải văn minh hơn, phải dùng nhạc có bản quyền, phần mềm có bản quyền. Luật Việt Nam cũng sẽ thắt chặt hơn nếu muốn thế giới “chơi” với chúng ta.

Trang nhạc trực tuyến Itunes

3. Kiếm tiền từ các kênh như youtube

Một sản phẩm của học viên trên Youtube do ADAM Muzic thực hiện

Youtube hay các kênh tương tự cũng là một mỏ vàng. Bạn chỉ cần đầu tư một MV tươm tất, tạo một tài khoản là có thể để lên đó và đợi nó sinh tiền. Tất nhiên, công việc không chỉ đơn giản như thế. Nếu muốn chuyên nghiệp và đỡ mất thời gian, bạn cần phải thông qua một số kênh đã có sẵn danh tiếng. Kênh có lượt theo dõi và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Vì vậy, bạn sẽ mất một khoảng % kha khá, đó là sự trao đổi hợp lý.

Một số kênh như Pops là 50/50, có thể khác nhau tùy vào thế đàm phán của bạn. Kiếm tiền từ Youtube không phải là một sớm một chiều, nhưng ít nhất, bạn đã tạo ra của cải. Biết đâu 5 năm sau, bài hát đó bỗng nổi tiếng và bạn bắt đầu có tiền từ các quảng cáo chèn vào video của mình. Bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin trên google với từ khóa “Kiếm tiền từ Youtube”.

Trang chia sẻ video trực tuyến youtube

4. Bán nhạc qua các kênh online với tài khoản cá nhân

Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sáng tạo. Đã có nhiều hình thức nền tảng mới giúp những người “vô danh” một phút lên mây. Bạn hoàn toàn có thể tạo một tài khoản, đăng tải nhạc của mình, bán và nhận tiền hàng tuần. Thật đơn giản, nghe như một trò đùa, nhưng nó thật sự là như thế. Ví dụ như trang www.cdbaby.com. Hãy thử sức bạn một lần xem sao.

5. Ủy quyền cho bên bảo vệ

Ở Việt Nam, bạn có thể liên hệ Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả để ủy quyền cho họ bảo vệ và “đòi tiền” giùm bạn. Họ sẽ thay bạn đi khắp thế gian để thu tiền. Bạn sẽ không còn phải lo lắng gì nữa. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là những bảo vệ hiện tại chỉ đang dựa trên tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chính. Trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ có nhiều thay đổi về chính sách bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ biểu diễn hơn.

Giao diện website Trung Tâm Bải Vệ Tác Quyền Tác Giả

6. Tự tạo kênh nhạc online

Trong trường hợp bạn muốn “hưởng hết” mà không phải chia chác cho ai. Bạn vẫn có thể làm một mình dù thực tế rất chông gai. Bạn cần tự sáng tác, tự hòa âm phối khí, tự thu âm, tự tạo trang web, youtube riêng của mình rồi tải nhạc lên, quảng cáo và chờ tiền về. Đây là một con đường dài và khó thành công nhanh được, bạn cần đầu tư rất nhiều chất xám và công sức với nó. Và tất nhiên vẫn hoàn toàn có thể thành công nếu thật sự đầu tư và cố gắng đến cùng.

Ngoài ra vẫn còn nhiều cách khác, bạn có thể tự tìm kiếm thêm với từ khóa “how to sell your music”, hay “how to earn money from music”. Thế giới giờ đã khác nhiều lắm rồi, bạn không còn quá nhỏ bé nữa. Hãy vươn lên và chứng minh tài năng của bạn cho cả thế giới thấy nhé!

Các bạn có thể tham khảo thêm video “Làm sao để thành công trong ngành âm nhạc” ngay dưới đây nhé!

Các bạn cũng có thể sáng tạo âm thanh, những gói âm thanh mẫu (Sample) hoặc những đoạn loop. Sau đó các bạn đăng ký bán thông qua các nền tảng dưới đây. Hãy mua mẫu một bộ sample để biết chúng bao gồm những gì nhé 😉

– Loopmaster

– WA Production

–  Angle Vibes

– Music Production

Biên soạn: Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý

Email: doannhuocquy@gmail.com hoặc doannhuocquy@adammuzic.vn

Website: www.doannhuocquy.vn, www.adammuzic.vn

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm về hai khóa học nổi bật của Adam Muzic ngay dưới đây nhé!

KHÓA HỌC HÁT HAY NHƯ THẦN TƯỢNG

KHÓA HỌC NHẠC ONLINE TƯƠNG TÁC TRỰC TIẾP

TƯ VẤN KHÓA HỌC

Bấm nút Tư Vấn Ngay để được tư vấn khóa học tại ADAM Muzic hoàn toàn miễn phí
Quickom Call Center