Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Kí xướng âm – Phương pháp rèn luyện

Kí xướng âm – Phương pháp rèn luyện

Kí xướng âm là môn học đòi hỏi rất nhiều ở người học khả năng cảm thụ tiết tấu, cao độ của âm thanh. Chính vì thế, người học tốt môn này có thể nghe và xướng một đoạn nhạc mà không cần bất kỳ công cụ hỗ trợ nào.

Đây chính là tiền đề giúp cho những bạn muốn phát triển hầu hết cách lĩnh vực trong âm nhạc như: sáng tác, hòa âm phối khí, chơi nhạc cụ và ca hát,…

Ví dụ một cách đơn giản. Một ngày đẹp trời, bạn ngân nga được một giai điệu khá hay. Bạn quyết định thu vào điện thoại để sáng tác nhưng do không có được kỹ năng cảm thụ giai điệu, bạn không thể nghe lại và thể hiện chính xác chúng lên mặt giấy. (Ký âm)

Và thế là bạn phải nhờ người khác hỗ trợ; tốn chi phí, mất thời gian, mà chưa chắc người bạn nhờ thực hiện chính xác những gì bạn mong muốn. Bạn cần chỉnh sửa gì cũng phải nhờ vả. Xem ra chẳng có gì là thú vị nữa bạn nhỉ?

Hay trường hợp của những bạn đam mê hòa âm phối khí. Nếu bạn cảm thụ giai điệu không tốt, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để viết giai điệu lên máy. Chưa nói đến việc, bạn có nghe ra những nốt chênh phô để chỉnh sửa cho hợp lý.

Còn với những bạn đam mê ca hát thì sao? Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó bạn nhận được một bài hát mới, đừng nói với tôi là bạn sẽ nhờ người ta hát dùm để bạn bắt chước theo hay “Hẹn anh/chị mai mốt gì đó em sẽ trình diễn cho anh/chị xem ạ!!!”. Rõ ràng như vậy thiếu tính chuyên nghiệp và mất nhiều thời gian của bạn phải không nào?

Hãy luôn hỏi “Tại sao” trước khi học một môn học hay tiếp cận một vấn đề mới. Nguồn hình: Google.com

Hãy luôn hỏi “Tại sao” trước khi học một môn học hay tiếp cận một vấn đề mới. Nguồn hình: google.com

Để có thể học tốt môn kí xướng âm, người học cần nắm vững nhạc lý (để kí nhạc) và rèn luyện thành thạo kỹ năng cảm thụ, xướng giai điệu. Bài chia sẻ hôm nay, ADAM Muzic sẽ tập trung vào việc phân tích cách tiếp cận kỹ năng cảm thụ âm và xướng giai điệu để từ đó tìm ra phương pháp rèn luyện hiệu quả. Trước tiên, hãy cùng nhau tìm hiểu xem “Yêu cầu của kỹ năng này là gì?”

Thứ nhất, người học cần biết chút ít về nhạc lý cơ bản đủ để hiểu đoạn nhạc viết về cái gì.

Thứ hai, khi thực hành kỹ năng này, người học cần chú tâm vào việc thu và phát âm thanh (nghe và xướng) cho đúng, không phải hát cho hay theo cảm nhận cá nhân, học với trách nhiệm trả bài hay khoe với người khác (nên nhớ rằng, số lượng bài bạn xướng được không thể hiện hết được kỹ năng xướng âm của chính bạn).

Thứ ba, để cảm nhận giai điệu tốt, người học cần phát triển hai kỹ năng quan trọng là cảm nhận về tiết tấu và cao độ của âm thanh. Đã gọi là kỹ năng tức là bạn phải thực hành những gì mình học đều đặn trong khoảng thời gian dài, nó hoàn toàn khác với cách học những môn lý thuyết mà ta đã học từ phổ thông (toán, sử, địa, …). Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì vẫn có nhiều bạn cứ loay hoay với môn học này, chẳng hiểu vì sao mình học hành cũng chăm chỉ lắm mà kết quả thì lại không được như ý muốn. Một trong những vấn đề mấu chốt chính là bạn đang thiếu một phương pháp học tập phù hợp. Không phải cứ bỏ hàng giờ đồng hồ luyện cảm âm là tốt, bạn phải luyện tập chúng một cách “có ý thức” – Hay nói một cách đơn giản, việc tập luyện của bạn phải dự trên 3 quy tắc sau:

  1. Hãy chia thành các phần nhỏ, diễn ra theo ba hướng: Thứ nhất, người học nhìn nhận nhiệm vụ là một khối toàn thể. Thứ hai, chia chúng thành các mảng nhỏ nhất có thể. Thứ ba, thoải mái sử dụng thời gian, giảm tốc độ hành động, rồi tăng tốc để học được cấu trúc bên trong đó.
  2. Lặp đi lặp lại: Theo quan điểm sinh học, khi muốn tạo dựng kỹ năng, không việc gì hiệu quả hơn bằng hành động và “lặp đi lặp lại” là việc làm vô giá và không thể thay thế, nó giúp các neuron ở vùng não giữ chức năng cảm thụ âm thanh liên kết với nhau mạnh mẽ hơn dẫn đến khả năng cảm thụ âm nhạc của bạn cũng phát triển theo.
  3. Học để cảm nhận: Không nên nghĩ  đơn giản rằng: dành thời gian nhiều hơn thì tập hiệu quả hơn. Việc đó chỉ đúng với điều kiện bạn vẫn ở điểm nhạy cảm, ở rìa tới hạn của khả năng. Nói một cách đơn giản, người ở điểm rìa tới hạn của khả năng sẽ có những được mô tả có những cảm giác sau đây: chú tâm, kết nối, tạo dựng, toàn thể, tỉnh táo, tập trung, lỗi, lặp lại, giời hạn, thức tỉnh, phát triển… Không có khái niệm dễ dàng, tự nhiên, thói quen, tự động ở điểm này.
Số lượng neuron thần kinh không tăng thêm mà còn có thể mất đi nếu vùng não giữ chức năng cảm thụ âm thanh không được kích hoạt. Việc rèn luyện lặp đi lặp lại ở điểm rìa của khả năng sẽ giúp các neuron ấy liên kết với nhau nhiều hơn, từ đó hình thành nên kỹ năng.  Nguồn hình: google.com.

Số lượng neuron thần kinh không tăng thêm mà còn có thể mất đi nếu vùng não giữ chức năng cảm thụ âm thanh không được kích hoạt. Việc rèn luyện lặp đi lặp lại ở điểm rìa của khả năng sẽ giúp các neuron ấy liên kết với nhau nhiều hơn, từ đó hình thành nên kỹ năng.
Nguồn hình: google.com.

Nhìn chung, tập luyện có ý thức mang lại cảm giác hơi giống với việc khám phá một căn phòng tối, xa lạ. Bạn bắt đầu chậm rãi, va vào đồ đạc trong phòng, dừng lại, suy nghĩ và bắt đầu lại. Chậm chạp và với một chút đau đớn, bạn khám phá đi khám phá lại không gian đó, chú ý đến các lỗi mắc phải, mở rộng khoảng không gian mà mình vươn tới từng chút, từng chút một,vẽ ra trong đầu một sơ đồ cho đến khi bạn có thể đi quanh phòng một cách nhanh chóng bằng trực giác.

Và bây giờ, ADAM Muzic sẽ minh họa 3 quy tắc này bằng cách hướng dẫn các bạn xướng cao độ (phần quan trọng trong môn học xướng âm)

Bạn đã hiểu được xướng âm là một loại kỹ năng, biết được sự khác nhau giữa nó và các môn học/kỹ năng khác và biết được quy tắc tiếp cận kỹ năng này như thế nào. Giờ là lúc chia nhỏ và rèn luyện chậm rãi (quy tắc 1). Bài học đầu tiên của việc luyện xướng cao độ không phải là tìm một đoạn nhạc và tập xướng theo mà chính là làm quen với cao độ 7 nốt nhạc chính (Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si) thông qua dụng cụ hỗ trợ (piano, guitar, ứng dụng trên điện thoại, máy tính,v.v…). Hãy học từng nốt một trước khi học một đoạn rồi đến bài nhạc hoàn chỉnh! Bạn cần dành nhiều thời gian cho việc bấm các nốt nhạc theo thứ tự từ thấp lên cao (Đô, Rê, Mi…) và ngược lại,  chú ý lắng nghe rồi xướng theo nốt nhạc đó. (Gợi ý: nên ghi âm lại để so sánh âm thanh mình phát ra với nhạc cụ có giống nhau không?). Hãy nhớ rằng: việc tập lắng nghe và xướng âm phải thật chậm rãi và chính xác. Nếu có lỗi sai, hãy cố gắng tìm ra lỗi sai đó rồi sửa, không nên đi tiếp. Dần dần, khi việc tập luyện tiến bộ, hãy nâng bài tập khó hơn bằng cách nghe và xướng âm theo những nốt có khoảng cách cao độ xa hơn (Ví dụ: Đô -> Mi -> Sol, Mi -> Sol -> Si…) hay khó hơn nữa là tập nghe và xướng theo những cao độ ngẫu nhiên. Nếu bạn cảm thấy mình dần bị mất tập trung, hãy chuyển sang bài tập thứ hai bằng cách thay đổi ngược lại, bạn sẽ xướng nốt nhạc trước, sau đó kiểm tra lại bằng nhạc cụ. Xin nhắc lại một lần nữa, điều quan trọng là phải “chia nhỏ, tập chậm và luôn thử thách bản thân”.

Sau phần luyện nghe từng nốt nhạc, bạn cần có thêm bài tập để nâng cao trình độ cũng như đổi bài tập để tăng phần hứng thú cũng như nâng cao trình độ thì bài tập sau sẽ giúp bạn điều đó:

Bai 1 vi du

Dĩ nhiên, trước khi xướng giai điệu, bạn phải xướng được tiết tấu của đoạn nhạc. Và đây là hình ảnh hỗ trợ đọc tiết tấu bài tập trên:

Bai 1 vi du

Sau khi xướng được tiết tấu, chúng ta sẽ tiếp tục xướng cao độ từng nốt nhạc. Với bài tập này, chúng ta sẽ tập xướng cao độ như sau:

  • Dãy nốt là: Đô (C) – Đô (C) – Rê (D) – Rê (D) – Rê (D) – Mi (E) – Mi (E) – Fa (F) – Mi (E) – Rê (D) – Đô (C).
  • Với 2 nốt Đô đầu: nếu bạn nhớ cao độ thì tốt, không nhớ thì phải dùng dụng cụ hỗ trợ để nghe lại cao độ.
  • Đến 3 nốt Rê tiếp theo: Hãy mạnh dạn xướng lên, chúng ta cần sai để sửa. Cách để xướng nốt nhạc chính xác là dò cao độ bằng cách xướng lên nốt mình nhớ cao độ tốt nhất (thường là nốt Đô) rồi đọc nốt liền kề cho đến khi tìm được cao độ nốt mình cần. Theo dãy nốt Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La – Si thì nốt Rê nằm kế nốt Đô, vậy bạn chỉ cần xướng nốt Đô rồi xướng tiếp nốt Rê, cao độ bạn xướng được sẽ có xác suất chính xác hơn.
  • Đến nốt Mi: cách làm cũng tương tự cách trên, nếu nhớ được cao độ thì tốt, không được thì dò nốt: xướng nốt Đô, rồi xướng nốt Rê, xong xướng nốt Mi.
  • Với nốt Fa cũng vậy: xướng Đô, Rê, Mi rồi Fa.

Lần mò từ từ rồi cũng xong đoạn nhạc, ráp chúng với tiết tấu đã tập được. Và cuối cùng là so sánh những gì mình cảm nhận với kết quả thực tế. Nếu sai, hãy nghe lại và tìm ra nguyên nhân tại sao lại cảm nhận sai để từ đó khắc phục. Và đây là kết quả:

Hãy nhớ rằng:” Bạn đang tập cảm thụ giai điệu, việc bạn tập luyện cũng giống như bạn đang đi trong căn phòng tối om, thất bại là điều tiên quyết và cần thiết giúp bạn phát triển kỹ năng này. Chia nhỏ, lặp đi lặp lại, cảm nhận sự thất bại rồi vượt qua nó rồi lại tìm kiếm những thử thách mới trong việc tập luyện là những quy tắc vô cùng quan trọng. Trong việc tập luyện, bạn không cần phải thể hiện hay chiến thắng bất kỳ ai, bạn chỉ cần chiến thắng chính bản thân mình và cảm nhận điều đó từng ngày.

Như vậy, ADAM Muzic vừa chia sẻ với bạn một số quy tắc trong việc rèn luyện kỹ năng xướng âm và cách thực hiện. Những quy tắc mà ADAM Muzic vừa trình bày được tổng hợp từ nghiên cứu của các tác giả Daniel Coyle, Geoff Colvin, Malcolm Gladwell về vấn đề “Bí quyết tập luyện của những người tài năng” và tham khảo những quy luật của não bộ thông qua sách “Brain rules” của tác giả John Medina – Một nhà khoa học về não bộ. Những quy tắc này cũng có thể ứng dụng vào những môn học kỹ năng khác như: thanh nhạc, chơi nhạc cụ, thậm chí đối với hầu hết các môn thể thao. Nếu bạn cần thêm lập luận để củng cố niềm tin, vui lòng xem ở cuối bài. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn.

Chân thành cám ơn!

Bài tập thực hành và đáp án:

Bài 2:

Bai 2

Bài 3:

Bai 3

Bài 4:

Bai 4

Bài 5:

Bai 5

Bài 6:

Bai 6

 Nguồn tham khảo:
  • Mật mã tài năng – Daniel Coyle
  • Giải mã tài năng – Geoff Colvin
  • Những kẻ xuất chúng – Malcolm Gladwell
  • Brain rules – John Medina
  • Kiến thức âm nhạc – ADAM Muzic

Quickom Call Center