Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

NGUỒN GỐC VÀ TÍNH VĂN HÓA TRONG ÂM NHẠC (P1)

NGUỒN GỐC VÀ TÍNH VĂN HÓA TRONG ÂM NHẠC (P1)

PHẦN I:

Âm nhạc là một môn nghệ thuật âm thanh phản ánh mọi vấn đề xung quanh chúng ta bằng các thành tố mang tính nhạc (cao độ, trường độ, nhip điệu,…) ; Nội dung thể hiện có thể là một hiện tượng , là những cảm xúc (vui, buồn, thất vọng, hạnh phúc), là quan điểm sống hay thậm chí âm nhạc còn thể hiện hình tượng vĩ đại của tập thể, đất nước, nền văn hóa hay cả nhân loại. Bên cạnh đó, âm nhạc còn có mối liên kết chặt chẽ với các bộ môn toán học, thiên văn học, triết học,… Nhắc đến âm nhạc là nhắc đến sự đa dạng, phong phú, tính trừu tượng và cả sự biến hóa của môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó lại có một vài điểm chung mà nếu nắm bắt được chúng xem như chúng ta đã nắm bắt được cái cốt lõi của âm nhạc và chúng chỉ có thể được tìm thấy từ việc hiểu nguồn gốc của âm nhạc – Môn nghệ thuật của âm thanh.


Nguồn: http://dunum.ch/WebRoot/Store2/Shops/172505/MediaGallery/wruTemplateImages/Logo.png

Thực tế, đã có rất nhiều lý giải cho vấn đề nguồn gốc âm nhạc. Chẳng hạn như: âm nhạc xuất phát từ nhu cầu sinh lý của con người cũng như động vật muốn thu hút bạn tình – Charles Darwin ; âm nhạc là kết quả của sự dư thừa năng lượng, trong cơn xúc cảm mạnh mẽ những âm điệu của con người sinh ra tính nhạc – Herbert Spencer ; “tính tò mò” và “niềm vui” là nguồn gốc kích thích phát triển âm nhạc – Karl Stumpf ; nguồn gốc âm nhạc là ma thuật – Jule Combarieu  hay nguồn gốc âm nhạc chính là lao động – Khoa thẩm mỹ học Mác – Lê Nin… Thực tế để có câu trả lời hoàn toàn chính xác thì đây gần như là điều không tưởng bởi sự hạn chế của các bằng chứng lịch sử và khoảng cách thời gian giữa hiện tại và giai đoạn sơ khai của âm nhạc là quá lớn. Tuy nhiên, với công nghê khoa học ngày càng phát triển,  sự liên quan giữa âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác cùng với mối quan hệ khắn khít giữa nguồn gốc âm nhạc và sự hình thành và phát triển loài người, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời hợp lý và tiệm cận với sự chính xác hơn rất nhiều.

Trước tiên, hãy cùng nhau tìm hiểu mối quan hệ giữa nguồn gốc âm nhạc và nguồn gốc phát triển loài người. Về nguồn gốc loài người, hiện có hai thuyết được ủng hộ là: “Thuyết nguồn gốc từ Châu Phi” cho rằng nguồn gốc của người khôn ngoan trên thế giới xuất phát từ Châu Phi và “Thuyết nguồn gốc đa vùng” cho rằng sự tiến hóa của loài người diễn ra riêng lẻ ở những quần thể Homo erectus tại các vùng khác nhau . Tuy nhiên, Thuyết nguồn gốc từ Châu Phi được hầu hết các nhà khoa học ủng hộ và được khẳng định. Vậy nên, ADAM Muzic mạn phép sử dụng thuyết này để chia sẻ về nguồn gốc loài người cho độc giả. Theo thuyết nguồn gốc từ Châu Phi, cách nay khoảng 6 triệu năm, tổ tiên của loài người tập trung ở Châu Phi (Khi đó Châu Phi còn là vùng đất trù phú với mật độ bao phủ rừng rậm tương đối lớn), do sự biến đổi về khí hậu làm giảm dần diện tích rừng buộc tổ tiên ta (vượn hình người) phải xuống đất và di chuyển nhiều hơn để có thức ăn. Để tiết kiệm năng lượng trong việc di chuyển, vượn hình người dần chuyển sang đi bằng hai chân. Trong 4 triệu năm sau đó, khi mà việc di chuyển bằng 2 chân càng trở nên thuần thục hơn (tuy không có nhiều biến đổi về cấu trúc não bộ) thì khí hậu lại một lần nữa thách thức những chủng loài đi bằng hai chân này. Việc khí hậu liên tục biến đổi trong 1 thời gian ngắn làm thay đổi nguồn thức ăn và điều kiện sống thách thức, tiêu diệt những giống loài kém phát triển và giữ lại những giống loài có khả năng thích nghi cao hơn, chính sự chọn lọc của tự nhiên là chất xúc tác cho sự phát triển của vượn hình người (một loài động vật sống theo bầy đàn) buộc họ phải di chuyển nhiều hơn, phải phối hợp với nhau nhiều hơn, phải giải quyết vấn đề nhiều hơn nếu muốn tồn tại trong môi trường khắc nghiệt với những cơ thể nhỏ bé và yếu ớt như vậy. Việc phải cùng nhau đối phó với nhiều khó khăn để tồn tại đã giúp tổ tiên chúng ta dần trở nên thông minh hơn và mối quan hệ bầy đàn trở nên gắn kết hơn, sinh hoạt xã hội trở nên đa dạng và phức tạp hơn thúc đẩy nhu cầu về ngôn ngữ và là tiền đề cho sự phát triển âm nhạc.  Chẳng hạn như: nhu cầu giao tiếp trong lao động, nhu cầu truyền giống, nhu cầu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm,…  Trong đó, lao động là yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự phát triển ngôn ngữ và âm nhạc.

Nguồn: https://s-media-cache-ak0.pinimg.com/736x/33/f4/0a/33f40a534588d31d61bc7cc07ed7cea6.jpg

Để tồn tại, con người  phải tiếp cận thiên nhiên nhiều hơn, tương tác với nhau nhiều hơn chẳng hạn như việc mô phỏng tiếng hót của chim, tiếng kêu của muôn thú hay việc tạo ra các dụng cụ ra hiệu trong lúc săn bắt đã giúp con người hiểu hơn về âm thanh thiên nhiên. Bên cạnh đó, việc lao động cùng nhau, cần một sự nhất quán và đồng loạt trong động tác, con người đã tạo nên những tiếng hò khoan hò hụi để giải quyết vấn đề đó. Dần dần, tiết nhịp và cao độ trong lao động trở nên gần gũi với con người, không nằm trong giới hạn của lao động, âm nhạc bắt đầu trở nên phong phú hơn, nhiều loại hình ca hát và nhạc cụ ra đời nhằm giải quyết những nhu cầu cao hơn của con người như: giải trí, thu hút bạn tình, sinh hoạt xã hội thậm chí là đe dọa đối thủ… Ngoài ra, những yếu tố sinh lý của con người như nhịp đi, nhịp thở, nhịp đập của con tim cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc tác động đến nhịp điệu âm nhạc. Nói tóm lại, địa lý, nhu cầu sinh lý cơ bản, tập tính bầy đàn và lao động chính là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành âm nhạc sơ khai của loài người. Đó cũng chính là những yếu tố tác động đến văn hóa âm nhạc, trong đó, địa lý là yếu tố nổi bật nhất. Nếu tất cả chúng ta đều có nguồn gốc từ một nhóm người thì tại sao chúng ta không giống nhau về ngoại hình, về suy nghĩ về thói quen sinh hoạt và về văn hóa âm nhạc? Khi rời châu Phi để tìm những cơ hội tồn tại mới, giống loài của chúng ta đã chuyển đến những vùng đất khác nhau về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, động thực vật… chính sự khác nhau đó và nhu cầu thay đổi để tồn tại đã tạo ra những con người khác nhau. Chẳng hạn như: người ở khí hậu lạnh thì lông mọc rậm hơn để giữ ấm trong khi người ở khí hậu nóng thì ít lông hơn để dễ thoát nước nhằm điều tiết nhiệt độ cơ thể, hay màu sắc da ở từng vùng khác nhau do khí hậu ở mỗi vùng khác nhau (da trắng, da vàng, da đỏ, da đen), thậm chí là sự khác nhau về lối sống: người sống ở những khu vực đồng bằng thuận lợi cho việc định cư trồng trọt, chăn nuôi trong khi những người sống ở những khu vực vùng núi hoặc ở những nơi khan hiếm về thức ăn lại chọn lối sống du mục nay đây mai đó từ đó hình thành nên tư tưởng khác nhau. Người sống định canh chú trọng nhiều vào sự ổn định, việc này họ không thể làm chủ được mà phải phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên vì vậy mối gắn kết giữa họ và thiên nhiên rất lớn trong khi người gốc du mục lại sống nay đây mai đó, tư tưởng chủ đạo của họ là sự vươn lên chinh phục thiên nhiên để tồn tại. Chính địa lý khí hậu khác nhau dẫn đến cách tiếp cận tự nhiên khác nhau của con người thông qua lao động đã hình thành nên những nền văn hóa khác nhau, từ đó quan điểm về âm nhạc, chất liệu âm nhạc và các thể loại âm nhạc cũng khác nhau. Hay nói một cách đơn giản, hiểu địa lý, văn hóa của từng vùng  giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận hơn âm nhạc của mỗi vùng đó và ngược lại, thông qua âm nhạc, chúng ta có thể hiểu được phần nào văn hóa của từng vùng miền.

Nhạc cụ thời tiền sử. Nguồn: http://donsmaps.com/images20/whistleIMGP0441.jpg

Tóm lại, từ những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại là ăn ở của tổ tiên của chúng ta (những sinh vật yếu ớt và nhỏ bé) điều kiện tự nhiên đã tác động buộc tổ tiên ta phải thích nghi, tư duy nhiều hơn thông qua quá trình lao động. Sau nhiều năm sinh sống ở những môi trường, điều kiện khác nhau, đặc tính lao động của mỗi vùng cũng khác nhau dẫn đến văn hóa mỗi vùng và đặc biệt là nghệ thuật, âm nhạc cũng khác nhau. Bài viết tiếp theo, ADAM Muzic sẽ đi sâu hơn vào việc phân tích mối liên hệ giữa âm nhạc văn văn hóa vùng. Hy vọng sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích. Mời các bạn đón xem!

Nguồn tham khảo:

  • Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm
  • Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Quốc Vượng (Chủ biên)
  • Lịch sử âm nhạc thế giới – Đô-Ra Giê-Ooc-Ghi-Ê-Va, Người dịch: Nguyễn Ngọc Điệp
  • Lịch sử âm nhạc thế giới – Nguyễn Hải
  • Các thể loại âm nhạc – Lan Hương
  • Nguồn gốc loài người – https://youtu.be/odyJuZK0GCs

Quickom Call Center