Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Sự công bằng cho âm nhạc Việt

Sự công bằng cho âm nhạc Việt

Sự công bằng cho âm nhạc Việt

Sự công bằng cho âm nhạc Việt

Sau nhiều năm tham gia hoạt động âm nhạc, đặc biệt được tiếp cận trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc, bản thân tôi nhìn nhận và rút ra được nhiều điều cho bản thân. Qua đó, cũng thấy rằng, rất nhiều bạn trẻ yêu nhạc và không ít nghệ sĩ thế hệ mới có tư duy hiện đại, cập nhật xu hướng và văn hóa quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng báo hiệu cho một sự khởi sắc của âm nhạc Việt trong tương lai, tuy nhiên, một điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc quốc tế từ sớm, được tiếp cận giáo dục theo phương pháp và môi trường quốc tế đã dần quên đi nét văn hóa âm nhạc dân tộc, truyền thống, của người Việt và cho người Việt, đáng buồn hơn khi một số còn chê bai, xem thường âm nhạc Việt, lời ca Việt và cho rằng âm nhạc Việt hiện tại cũng như các nét văn hóa dân tộc là cổ hữu, không đáng để học. Có lẽ, các bạn đang nhầm lẫn giữa việc cập nhật giá trị quốc tế và sự sính ngoại. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn một số quan điểm ở góc nhìn thiển cận nhưng khách quan hơn về âm nhạc Việt qua việc trả lời một câu hỏi tổng hợp từ những thắc mắc của học viên cũng như các bạn trẻ gửi về tôi trong nhiều năm nay.

Nhạc Việt không hay, không đa dạng, không có nhiều kỹ thuật, đặc biệt trong cách xử lý ca khúc.

Nhận định này có chút phần đúng giữa đa phần chưa chính xác. Cái đúng thể hiện ở chỗ, âm nhạc Việt mà chúng ta nghe hiện nay là sự pha trộn nhiều yếu tố âm nhạc của nhiều quốc gia, vùng miền nhưng cái chưa chính xác bắt nguồn từ sự mất cân bằng do nền tảng phát triển và nhiều yếu tố khác như văn hóa, chính trị, xã hội, giáo dục… Có thể tóm tắt qua các ý sau trên dòng lịch sử phát triển âm nhạc Việt:

  • Âm nhạc thời trước 1858 là âm nhạc của nhạc lễ, nhạc cung đình, nhạc dân ca các vùng miền, mang đậm chất dân tộc và một phần ảnh hưởng từ văn hóa âm nhạc Trung Quốc qua 1000 năm đô hộ.
  • Âm nhạc sau 1858 đến trước 1945 là âm nhạc có chút pha trộn từ sự ảnh hưởng của âm nhạc và văn hóa Pháp (đối với Bắc Kỳ và một phần Nam Kỳ) và âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ (đối với Nam Kỳ).
  • Thời điểm những năm 1916 – 1930 là thời điểm hình thành âm nhạc Cải Lương tại đồng Bằng sông Cửu Long và hưng thịnh đến tận những năm 1960.
  • Từ những năm 1930 trở đi là nhự hình thành của âm nhạc trẻ Việt Nam qua sự giao thoa văn hóa của âm nhạc dân tộc, âm nhạc Pháp, sau đó là Mỹ.
  • Thời điểm từ 1948 – 1975 là sự ảnh hưởng từ âm nhạc Mỹ vào Việt Nam khiến âm nhạc Việt biến chuyển theo hướng tự do, mạnh mẽ, phóng khoáng của những Swing, Blues, Country, R&B, Soul, Jazz mà đặc biệt nhất là Rock & Roll vào những năm 1960 – 1975 qua phong trào tự do, phản chiến của giới trẻ Mỹ.
  • Từ 1945 đến 1975 là âm nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, công cuộc xây dựng đất nước của công, nông, binh, của Đoàn, Đội, thiếu nhi… gọi chung là nhạc Đỏ (đối với Bắc Kỳ).
  • Sau 1975 là giai đoạn “đóng cửa” và đương nhiên, văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật nói chung cũng mất kết nối với bên ngoài. Đến hơn 10 năm sau, tức, đến tận cuối 1986, khi Đại Hội Đại Biểu khóa VI quyết định đổi mới, âm nhạc mới dần được cập nhật, đổi mới. Tuy nhiên, mở cửa xong vẫn có nhiều rào cản, chủ yếu bởi chính trị xã hội, do đó, đến tận hơn 10 năm sau đó, sự cởi mở đối với văn hóa từ phía các cơ quan chức năng và các cán bộ lãnh đạo mới thật sự đi vào thực tế. Thành quả từ việc này là chúng ta được thấy những nghệ sĩ trẻ thời đó, được thấy “Trung Tâm Ca Nhạc Nhẹ Thành Phố, được xem Làn Sóng Xanh,…
  • 1979 – 1990 là một giai đoạn căng thẳng, xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau giai đoạn này, 2 bên mở lại quan hệ ngoại giao, ta thấy âm nhạc có màu sắc Trung Quốc, có phim TVB và các sao Trung Quốc, Hồng Kong, thế là một loạt âm nhạc với tiêu đề “Nhạc Hoa, Lời Việt”.
  • Sau 1990 là văn âm nhạc Hàn Quốc, Nhật qua các phim truyền hình được mua bản quyền phát sóng.
  • Từ cuối những năm 1997 là thời kỳ của internet chính thức có mặt tại Việt Nam, vậy là chúng ta có Google, Youtube, từ đó, việc kết nối với thế giới, với nhạc Âu Mỹ và nhiều văn hóa âm nhạc đa dạng khác dần có mặt đến tận hôm nay.

Như vậy, qua dòng thời gian lịch sử trên, ta thấy rõ rằng, âm nhạc Việt không nghèo nàn mà ngược lại rất đa dạng, nhưng đáng buồn thay, đất nước chúng ta gặp quá nhiều những khó khăn, biến cố, khiến việc tiếp cận và phát triển âm nhạc của đa số người dân không trọn vẹn. Một số lý do cơ bản có thể kể đến như sau:

  • Rào cản kinh tế
  • Rào cản giáo dục
  • Rào cản chính trị
  • Rào cản chiến tranh
  • Rào cản khoa học kỹ thuật
  • Rào cản văn hóa

Bàn về những điều trên là một đề tài quá rộng, chúng ta có thể hiểu đơn giản qua các ý sau:

  • Vì xã hội nghèo nên người dân cần lo cái ăn, cái mặc trước cái hay cái đẹp, điều này ảnh hưởng đến tận ngày nay khi nghệ sĩ vẫn hằng ngày trăn trở về mưu sinh khi theo đuổi nghệ thuật, vì phần đông nghệ sĩ vẫn chưa kiếm được tiền tương xứng với giá trị lao động và chất xám của họ và phần đông người Việt vẫn chưa sẵn sàng trả tiền cho nghệ thuật.
  • Giáo dục âm nhạc không chuyên sâu, chỉ dừng lại ở mức hết sức cơ bản, do đó, nhận thức chung của phần đông nghệ sĩ có được qua sự góp nhặt và tự nhận thức, trừ một số nghệ sĩ có tài lược hay được du học, tiếp cận được nền văn hóa âm nhạc tiên tiến hơn.
  • Chúng ta không bàn về cái sai đúng chính trị vì đây là một phạm trù khác, rộng hơn nhiều, chỉ nói riêng đến hệ quả của nó với âm nhạc, đã là một sự giới hạn đối với nghệ sĩ trong nhu cầu về sự tự do sáng tạo và tiếp cận cái mới, cái hay.
  • Vì chiến tranh, chúng ta rơi vào sự loạn lạc, và đương nhiên, không có sự ổn định thì không thể phát triển sâu, rộng và bền vững.
  • Vì khoa học kỹ thuật yếu kém, nên chúng ta thiếu thốn những phòng thu hàng đầu, trang thiết bị hàng đầu và những khối óc đủ giỏi để vận hành hệ thống đó.
  • Vì văn hóa khác biệt (Văn hóa Á Đông vẫn còn nặng phong kiến, lễ nghĩa và hủ tục) nên sự chấp nhận tiếp cận cái mới, cái hay, cái đẹp cũng hoàn toàn dựa trên những quan điểm khác, cực đoan hơn, khiến sự cập nhật và hòa hợp cũng khó hơn.

Nhìn qua những góc nhìn trên, ta thấy những sự không công bằng khi chê bai nhạc Việt như sau:

  • Tây Âu là cái nôi âm nhạc thế giới từ thời kỳ cổ điển, trở thành tiêu chuẩn âm nhạc quốc tế vì họ đã nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống âm nhạc hòa âm và quan trọng hơn, họ mang âm nhạc của họ đi khắp thế giới qua quá trình xâm lược và truyền đạo.
  • Khoa học kỹ thuật phương Tây phát triển giúp họ có được những sự vượt trội trong giáo dục, khoa học, kỹ thuật và đương nhiên là nghệ thuật và âm nhạc đương đại.
  • Họ trở thành các nước cộng hòa từ rất sớm (từ những năm 400 trước công nguyên, bắt nguồn từ La Mã cổ đại), do đó, tính tự do, nhân văn cũng tăng lên, từ đó, trình độ nhận thức và khả năng sáng tạo vượt trội hơn và quan trọng nhất, đó là sự chấp nhật tính mới trong mọi thứ dễ dàng hơn
  • Đối với Mỹ, là vùng đất mới từ những năm 1492 (Columbus), 1497 (Cabot)… do đó, con người có tư tưởng khai phá, phóng khoáng, tự do hơn, cũng giống như người miền Tây sông nước. Sau nội chiến Nam Bắc Mỹ, đất nước này trở thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trở thành biểu tượng tự do và cho phép mọi dân tộc, văn hóa hòa hợp vào. Từ đó, họ “lấy” được mọi thứ tinh túy nhất từ các dân tộc khác như Blues, Jazz, R&B từ người gốc da màu, Latin từ dân Nam Mỹ, Folk từ châu Âu, Country từ dân bản xứ đồng quê… Xa hơn thế, chính sự tự do của họ kích thích nhiều văn hóa âm nhạc khác phát triển như Rock & Roll, Disco, cũng như du nhập nhiều thể loại khác như Reggae.
  • Khi chúng ta đang còn vật lộn với chiến tranh thì bản thân các nước Âu Mỹ, nhờ lợi thế kinh tế kết hợp với khoa học công nghệ và giáo dục, họ dẫn đầu với gần như mọi thứ về nghệ thuật qua radio, TV, máy nghe nhạc, đĩa hát, các bảng xếp hạng âm nhạc, truyền thông, internet… và vì thế, âm nhạc của họ dẫn đầu thế giới.
  • Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là lợi thế ngôn ngữ. Tiếng Anh được dùng như một ngôn ngữ chính và lớn nhất trên Internet khiến âm nhạc Âu Mỹ lại càng dễ dàng thăng hoa.

Nãy giờ nói nhiều đến các lợi thế âm nhạc Âu Mỹ, và bất lợi của nền âm nhạc Việt Nam, vậy lợi thế của chúng ta là gì? Một số bạn trẻ cho rằng âm nhạc Việt không hay, không có chiều sâu, cái này là nhận định chưa chính xác, nó có thể đúng đối với vài tác phẩm hời hợi của một số nhạc sĩ trẻ không quan tâm nhiều đến giá trị tác phẩm hoặc với các nhạc sĩ chưa có kiến thức chuyên môn về sáng tác cũng như vốn sống và vốn văn chương. Chúng ta có rất nhiều lợi thế trong âm nhạc và tôi có thể kể ra một số điều sau:

  • Thơ ca: một số người vẫn còn nhầm lẫn rằng chỉ có nhạc Âu Mỹ mới có ca từ hay vì có lời thơ thâm thúy, gieo vần câu vì xuất phát từ thơ ca châu Âu. Thật ra, âm nhạc Việt vẫn có lời ca xuất thân khá nhiều từ thơ, và, sự gieo phần trong ca từ nhạc Việt cũng bắt nguồn không ít từ thơ. Hơn thế, thơ ca Việt lại có nhiều thể thơ như Lục Bát, Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật, Tứ Tuyệt… Nếu áp dụng được, bạn đã nâng tầm giá trị nhạc Việt lên, không thua kém gì sự sâu sắc, văn vẻ, mà còn có thêm sự mạch lạc bởi tính trật tự trong bố cục chứ không chỉ có yếu tố gieo vần. Âm nhạc trẻ hiện đại thiếu mất yếu tố này không phải tại nền âm nhạc nó thế, mà bởi nhạc sĩ trẻ ít ngồi đọc thơ, viết thơ và chiêm nghiệm. Nhạc Việt thời xưa hay hơn, sâu sắc hơn có lẽ một phần bởi thời đó chưa có internet, nhạc sĩ có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm, ngẫm đời và vun đắp, trau chuốt vào từng ca từ. Gần đây nhất là ca khúc Bánh Trôi Nước qua giọng ca Hoàng Thùy Linh được phổ nhạc mới lạ bởi nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trên bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương.

  • “Ngoại ngữ”: chúng ta được thừa hưởng từ sự giao thoa văn hóa, nên chúng ta có cả một kho tàng Hán Việt, mỗi từ này lại chứa nhiều nghĩa bên trong làm một từ có thể toát lên hay ẩn dụ thêm nhiều ý khác. Ngoài Hán Việt, chúng ta còn có thể sử dụng các từ đọc chại, mượn từ tiếng Pháp, Anh, Mỹ… như xi-nê, com-lê, cà-rem, oẳn tù tì, hay thậm chí là từ Việt cổ như chữ “Cồ” trong “Đại Cồ Việt” nghĩa là to lớn.

Ví dụ: chữ Thiên Thai trong tác phẩm âm nhạc cùng tên của nhạc sĩ Văn Cao (sáng tác năm 1941, khi ông 18 tuổi, phỏng theo thơ Hoàng Thoại). Riêng chữ Thiên thai đã bao gồm rất nhiều nghĩa như: thiên đàng, địa đàng, cực lạc ,non bồng nước nhược, tất cả nói về chốn đầy ắp sự yên vui, sung sướng, thanh bình, hoan lạc và vui… Chỉ một từ gồm hai chữ đã nói lên nhiều hơn cả một câu dài.

Nhiều trường hợp âm nhạc quốc tế Âu Mỹ vẫn mượn từ đầy ra đó (như trong Born this way, Lady Gaga dùng câu Mi amore vole fe yah có nguồn gốc từ tiếng Ý cũ thay cho Love needs faith – Tạm dịch ra là Tình yêu cần có niềm tin) thì ta xem là hay, nhưng bản thân chúng ta thì luôn cho rằng âm nhạc Việt không có. Thực tế, nơi nào có xã hội, nơi đó sẽ hình thành văn hóa, và đương nhiên, văn hóa Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung có chiều sâu và bề dầy nghệ thuật bắt đầu sớm hơn rất nhiều so với nhiều nền văn hóa âm nhạc khác.

 

  • Ngôn ngữ: một điều đặc biệt là ngôn ngữ của chúng ta là ngôn ngữ có âm điệu (tonal language), như vậy, khi xử lý các luyến láy, ý nghĩa của từ sẽ mất đi và sẽ khá khó khăn khi đặt lời hay hát 1 ca khúc lời Việt. Ví dụ dễ hiễu nhất là bạn muốn hát chữ Bố, khi nốt nhạc lên cao thì đúng, nhưng lúc luyến xuống lại thành Bô hay Bồ, và nếu nốt nhạc thấp thì lại có nghĩa là Bộ. Có thể thấy đây là khó khăn cản trở rất lớn sự sáng tạo của nhạc sĩ và cả ca sĩ, vậy nên, với ca sĩ, bạn có thể phát triển cách hát luyến láy tinh tế hơn. Tôi sẽ có một bài viết khác chia sẻ về kỹ thuật này dành tặng các bạn. Quay trở lại về ngôn ngữ, vì đây là ngôn ngữ có âm điệu nên khi nói một câu, bạn sẽ thấy nó trở thành một dạng âm nhạc, như vậy, tiếng Việt là một dạng Musical Language, vì là dạng ngôn ngữ nhạc tính, nên người lớn lên với ngôn ngữ này sẽ có khả năng cảm nhạc tốt hơn. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2009 của Diana Deutsch qua bài kiểm tra về khả năng phân biệt cao độ, sai số nửa cung: “Những sinh viên nói thông thạo ngôn ngữ có thanh điệu thì làm bài kiểm tra tốt đến mức phi thường: trong số những người đã từng bắt đầu việc đào tạo âm nhạc ở độ tuổi lên năm hay trước đó thì 92% có khả năng nhận diện nốt nhạc, giống như 67% trong số những người bắt đầu học nhạc trong độ tuổi từ sáu đến chín.”. Như vậy, 92% những nghệ sĩ xuất thân từ các vùng có ngôn ngữ nhạc tính sẽ đạt được khả năng nghe chính xác cao độ (perfect pitch hay absolute pitch) nếu được tiếp cận với âm nhạc từ sớm. Và tỉ lệ người có được khả năng này ở các nước không có musical language là 1/10000 người. Bạn đã thấy lợi thế nhạc Việt chưa? Có lẽ đọc đến đây, sẽ có một số người bớt xem thường cái “sự lên xuống” quá nhiều trong ngôn ngữ Việt nhỉ.
  • Thêm một điều nữa của ngôn ngữ Việt, đó là khả năng đảo từ một cách ngoạn mục. Điều này có thể cũng có được do sự giao thoa văn hóa khiến ảnh hưởng đến bố cục và sắp xếp ngôn ngữ. Ví dụ: với từ cay đắng, bạn có thể dùng ngược lại là đắng cay, mơ mộng và mộng mơ, ước hẹn và hẹn ước. Hãy tưởng tượng nó sẽ ra sao với tiếng Anh? Bittersweet không thể đổi thành sweetbitter và tương tự với dreamy, promise. Lợi thế này giúp đa dạng hơn trong việc dùng từ mà vẫn đảm bảo ngữ nghĩa, khắc phục phần nào khó khăn trong đường giai điệu như đã nói ở trên và lại giúp ca từ trong âm nhạc thêm phần màu sắc.
  • Làn điệu, thang âm truyền thống: Trong khi âm nhạc Âu Mỹ đang dần cạn kiệt ý tưởng và bão hòa với những nhạc cụ điện tử và các nhạc cụ giao hưởng truyền thống, họ đang lục lọi khắp nơi từ Latin sang đến Phi, Ấn… để tìm các chất liệu mới tạo nên những bản nhạc đậm chất, thì chúng ta, những người con của vùng đất đa dạng văn hóa nghệ thuật này lại không tận dụng đến. Chúng ta có cả trăm nhạc cụ và làn điệu âm nhạc khác nhau, một vài trong số đó là độc nhất vô nhị. Nếu mang vào được âm nhạc hiện đại, cái lạ mà bạn đang tạo ra là cái mà phương Tây phải tìm tòi và học hỏi. Những năm gần đây, việc vận dụng này khá nhiều và không ít tác phẩm đã nổi tiếng, gần nhất là giai điệu trong ca khúc Túy Âm của bộ ba Xesi, Masew, Nhật Nguyễn.

  • Nhạc cụ truyền thống: cũng như làn điệu và thang âm, nhạc cụ truyền thống cũng góp phần nâng cao và làm mới lạ giá trị âm nhạc của tác phẩm của bạn. Bạn có thể cảm nhận sự mới lại từ sự hòa trộn âm thanh nhạc cụ Tây Nguyên và tiết tấu EDM hiện đại qua bản phối khí Vũ Điệu Cồng Chiêng của Hoàng Touliver.

Tóm lại, nhạc Việt không có lỗi mà ngược lại còn có hàng trăm giá trị khác chưa được khai thác hết. Để nhạc Việt mất đi giá trị sâu sắc của nó là lỗi của chúng ta, những người nghệ sĩ thiếu tính tự cường dân tộc. Trách nhiệm của chúng ta là giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc của dân tộc theo cách riêng của chúng ta, giúp những người xung quanh trân trọng và phát huy tinh thần đó. Tôi tin, đến một ngày, thế giới sẽ lắng nghe âm nhạc Việt như cách họ lắng nghe Despacito từ đất nước nhỏ bé Puerto Rican, hay như cách mà nhóm nhạc Wagaki – Nhật Bản đã làm được với âm nhạc rock từ nhạc cụ dân tộc của họ . Nó có thể là viễn vông hôm nay nhưng sẽ trở thành hiện thực nếu mỗi người nghệ sĩ và người yêu nhạc bắt đầu thay đổi từ hôm nay.

 

Biên soạn: Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý

Phát hành và sở hữu bản quyền: ADAM Muzic

Quickom Call Center