Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Billie Eilish & lovely – khi trầm cảm biểu hiện qua Âm nhạc

https://www.nme.com/music-interviews/billie-eilish-when-the-partys-over-video-meaning-lyrics-2467555

Billie Eilish & lovely – khi trầm cảm biểu hiện qua Âm nhạc

Nổi lên như một hiện tượng, âm nhạc của Billie Eilish để lại dấu ấn mạnh mẽ với khán giả bởi cách tiếp cận sáng tạo và phong cách đi ngược lại thị trường. Dù có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh sự nổi tiếng bất ngờ của cô, nhưng không thể phủ nhận tài năng và sự đặc biệt trong cá tính âm nhạc của nàng nghệ sĩ trẻ tuổi.

 

Với ngôn ngữ âm nhạc mang màu sắc u tối và biểu cảm đậm chất Emo (gần như chẳng bao giờ cười), Billie tạo nên một làn sóng ‘trầm cảm’ của riêng mình: một lượng fan hâm mộ đông đảo – hầu hết ở lứa tuổi thiếu niên hết mình ủng hộ các tác phẩm của cô.

 

Vậy, Billie Eilish là ai?

Billie Eilish xuất hiện ở 2019 iHeartRadio Music Awards vào 14 tháng 3 2019 tại Los Angeles, California. (Ảnh chụp bởi Glenn Francis/Pacific Pro Digital Photography)

 

Billie Eilish là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ, cô được biết đến lần đầu qua ca khúc Ocean Eyes – bài hát được anh trai cô, Finneas O’Connell sáng tác và đưa cô thu âm – bất ngờ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ giúp khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của cô sau này. Khi ấy, Billie mới chỉ 15 tuổi.

 

Sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật, với bố là Patrick O’Connell và mẹ là Maggie Baird, Billie đã sớm hình thành trong mình tình yêu dành cho âm nhạc và điện ảnh. Dù được giáo dục tại nhà trong phần lớn những năm đầu đời, Billie vẫn tham gia hợp xướng vào năm 8 tuổi và viết những ca khúc đầu tiên khi mới 11 tuổi.

 

Nhờ được tiếp xúc với nghệ thuật từ thời thơ ấu, cũng không khó để hiểu tại sao tài năng âm nhạc của Billie lại nở rộ sớm như vậy. Tiếp nối thành công của Ocean Eyes, Billie ra mắt single Bellyache, rồi đĩa mở rộng Don’t Smile At Me vào năm 2017 và đều nhận được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng.

 

Sự liên kết đặc biệt với lovely – nỗi lòng của những người mắc trầm cảm

Được kết hợp giữa Billie, anh trai cô FINNEAS và ca sĩ Khalid – lovely là ca khúc chính thức của series truyền hình Netflix nổi tiếng 13 Reasons Why dựa trên tiểu thuyết cùng tên. Ca khúc cũng được đưa vào album mở rộng của Billie – Don’t Smile at Me năm 2017.

 

Với những ai đã trải qua hoặc đang phải chịu sự đau đớn mà trầm cảm mang lại, hẳn sẽ dễ dàng thấu hiểu những điều được nói đến trong bài hát. Và ca khúc này – với riêng cá nhân tôi – là sự lột tả chân thực cảm giác khi mắc kẹt với trầm cảm và cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công và khác biệt của Billie Eilish với số đông nghệ sĩ hiện thời.

 

Trước khi đi vào tìm hiểu về ý nghĩa bài hát, chúng ta cùng nghe lại ca khúc này nhé!

   (1) Đoạn mở đầu bài hát cho người nghe biết về ‘mối quan hệ’ giữa nhân vật chính và chứng rối loạn của mình:

Thought I found a way

Thought I found a way out (out)

But you never go away (never go away)

So I guess I gotta stay now

(Tưởng tao đã tìm ra cách

Tao tưởng mình đã tìm được cách thoát

Nhưng mày chưa bao giờ rời đi

Vậy tao đoán là, mình phải ở lại thôi)

 

Trầm cảm thường ập đến bất ngờ và kéo dài dai dẳng. Ta có thể nghĩ nó đã đi mãi mãi nhưng rồi nó lại quay về mà không báo trước. Lời tâm sự tuyệt vọng mở đầu bằng Tưởng tao đã tìm ra cách – như lời ấp úng hé lộ một sự thật không hay đang lặp lại lần nữa. Và Vậy tao đoán là, mình phải ở lại thôi – thể hiện sự khuất phục và cam chịu.

 

   (2) Phần Pre-chorus nối tiếp là sự mong mỏi và chờ đợi:

Oh, I hope some day I’ll make it out of here
Even if it takes all night or a hundred years
Need a place to hide, but I can’t find one near
Wanna feel alive, outside I can’t fight my fear

(Tôi mong rằng một ngày nào đó, mình sẽ thoát khỏi đây

Dù cho mất cả đêm nay hay trăm năm nữa

Cần một nơi để trốn, nhưng chẳng thể nào tìm thấy

Muốn cảm thấy là mình đang sống, bên ngoài nơi này

Nhưng tôi không tài nào chống lại nỗi sợ hãi)

 

Chờ một ngày có thể cảm thấy là mình đang sống – một mong muốn khó hiểu đối với những người có tâm trí khỏe mạnh, nhưng lại là mơ ước có phần xa vời với những ai mắc hội chứng trầm cảm. Họ không thể cảm thấy rõ ràng bất kỳ cảm xúc nào của bản thân, dù đó là hạnh phúc hay đau khổ. Cũng chính vì điều đó, họ luôn có cảm giác bị mắc kẹt vào trong một cái lồng tâm trí và khao khát được sống bên ngoài nơi này.

Hình ảnh ẩn dụ cảm giác bị giam cầm của Billie và Khalid trong MV – khi chính cảm xúc của bản thân cũng không thể chạm tới họ (Nguồn: https://gfycat.com)

   (3) Ngọn lửa khao khát dần tắt lụi. Hai nghệ sĩ mỉa mai, như thể giờ đây họ đang tận hưởng mọi thứ khi nó ập đến:

Isn’t it lovely, all alone

Heart made of glass, my mind of stone
Tear me to pieces, skin to bone
Hello, welcome home

(Thật ngọt ngào phải không, ở đây một mình?

Trái tim từ kính, tâm trí sắt đá

Xé tôi thành trăm mảnh, từ da thịt đến tủy xương

Xin chào, mừng mày về nhà)

 

Billie đã trải lòng: “Nhiều người có thể cố nói chuyện và giúp tôi khá hơn hay làm gì đó khác, nhưng nó chẳng thay đổi bất cứ điều gì. Người duy nhất có thể thay đổi cách tôi cảm nhận cuộc sống này là chính tôi, và điều đó sẽ không xảy ra.”.

Những bệnh nhân trầm cảm với trái tim từ kính khiến họ rất khép mình như một bản năng tự vệ. Trái lại, họ sở hữu tâm trí sắt đá, bị đóng kín vì luôn tự thu mình lại. Những điều này càng làm căn bệnh trở thành một diễn tiến không hồi kết với: Xin chào, mừng mày về nhà.

 

  (4) Để miêu tả cuộc sống cũ lại tiếp diễn, Verse 2 được mở đầu bằng lối chơi chữ khi sử dụng walking – đi thay vì running – chạy trong câu ‘Running out of time’ – ‘Thời gian đang dần hết’, để thể hiện sự mệt mỏi và thờ ơ với cuộc sống mà nhân vật chính đang có:

Walking out of time
Looking for a better place (looking for a better place)
Something’s on my mind
Always in my head space

(Tôi đang dần cạn kiệt thời gian

Vẫn đang tìm kiếm một chỗ khá hơn

Thứ gì đó trong tâm trí

Luôn nằm đó trong đầu tôi)

 

   (5) Trong Pre-chorus lần này, cụm từ Oh, I hope – Tôi mong là đã được thay thế bằng But I know – Nhưng tôi biết là như một điểm nhấn, để thể hiện niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn của chính các tác giả:

But I know someday I’ll  make it out of here
Even if it takes all night or a hundred years
Need a place to hide, but I can’t find one near
Wanna feel alive, outside I can’t fight my fear

 

Cuối cùng, để kết thúc bài hát, phần điệp khúc một lần nữa được kết thúc bằng câu nói: Hello, welcome home  – thực chất không phải là một lời chào đón của yêu thương và che chở, mà như lời tự nhủ của nhân vật chính – sau khi đã cố gắng trốn chạy khỏi nhà rồi cay đắng nhận ra mình chưa hề bỏ đi. Giờ đây, họ đã quá quen với nơi này và buộc phải chấp nhận sự thật. Nó vẫn thật đáng sợ, nhưng nó thân thuộc.

 

Âm nhạc của Billie Eilish có thật sự gây trầm cảm?

Là vấn đề gây ra những cuộc tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội, không ai có thể hoàn toàn khẳng định âm nhạc của cô gây ảnh hưởng tốt hay xấu tới giới trẻ. Có nhiều người cho rằng, âm nhạc của Billie Eilish có tác động tiêu cực đến tâm lý của thiếu niên, khi những bài hát của cô thường lấy cảm hứng từ cái chết, bạo lực, góc tối của con người và concept khá rùng rợn. Quan điểm này được củng cố hơn khi tác phẩm lovely của cô là một trong những ca khúc thương hiệu trong soundtrack của 13 Reasons Why, khi series phim được này cho là làm tăng tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên tại Mỹ.

 

Series phim nổi tiếng của Netflix (Nguồn: amazon.com)

 

Trái lại, với nhiều người, dù không phải fan hâm mộ của Billie, vẫn ủng hộ âm nhạc của cô, vì nó đã giúp họ có thể ‘sống yên ổn’ với những đau đớn tinh thần của mình. Cảm giác bị kìm hãm, không được thấu hiểu hay lắng nghe – đặc biệt ở những thiếu niên đang độ tuổi dậy thì – được âm nhạc của Billie xoa dịu. Vì chính cô cũng là một nghệ sĩ trẻ tuổi và hoàn toàn có thể thấu hiểu cảm xúc của những khán giả đồng trang lứa. Nhưng không dừng lại ở đối tượng thiếu niên, âm nhạc của Billie được ủng hộ nhiệt liệt bởi những nghệ sĩ tên tuổi như cựu thành viên The Beatles Paul McCartney, Sporty Spice, Justin Bieber, Ariana Grande, Katy Perry,…

 

Cuối cùng thì, Billie Eilish – như rất nhiều những nghệ sĩ khác trên thế giới – đang làm đúng khả năng của mình: Chia sẻ cảm xúc và tâm tư của mình tới khán giả, dù đó là hạnh phúc hay đau buồn. Âm nhạc cũng như Nghệ thuật đều không có giới hạn, nên sẽ thật cứng nhắc nếu ta phân định một tác phẩm vào cái mác tốt hay xấu. Yếu tố hay/dở, tốt/xấu, rốt cuộc phụ thuộc vào góc nhìn của người đón nhận tác phẩm. Và tùy vào yếu tố ấy, ta có thể lựa chọn cách thưởng thức tác phẩm đó cho phù hợp.

 

 

Biên soạn: Hà My

Phát hành: ADAM Muzic

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

The Famous People (2019). Billie Eilish, https://www.thefamouspeople.com/profiles/billie-eilish-42253.php, truy cập tháng 9/2019.

                                     

13 Reasons Why (2019). 13 Reasons Why, https://en.wikipedia.org/wiki/13_Reasons_Why, truy cập tháng 9/2019.

 

Genius (2018). lovely – Billie Eilish & Khalid, https://genius.com/Billie-eilish-and-khalid-lovely-lyrics, truy cập tháng 9/2019.

 

National Public Radio (2019). Teen Suicide Spiked After Debut Of Netflix’s ’13 Reasons Why,’ Study Says, https://www.npr.org/2019/04/30/718529255/teen-suicide-spiked-after-debut-of-netflixs-13-reasons-why-report-says, truy cập tháng 9/2019.

 

TheEllenShow (2019). Billie Eilish Gets Candid About Tourette Syndrome, https://www.youtube.com/watch?v=k4vRFodAqWo, truy cập tháng 9/2019.

                      

Clevver News (2019). Celebs Who STAN Billie Eilish, https://www.youtube.com/watch?v=Lr1ET5kOmxs, truy cập tháng 9/2019.

Quickom Call Center