Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Dục tính trong âm nhạc Việt Nam

Dục tính trong âm nhạc Việt Nam

Lâu nay cũng có thấp thoáng thấy một vài nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn đưa dục tính vào những sản phẩm của họ. Những sản phẩm này đa số đều nhận được những luồng ý kiến trái chiều, thậm chí cả những lời phê bình gay gắt.
 
Hôm nay tôi xin mạo muội chia sẻ vài ý kiến tầm thường của bản thân về vấn đề này, qua đó cũng mong bày tỏ một vài góc độ nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng lành mạnh.
 
ADAM-MUZIC-duc-tinh-trong-nhac-Viet-Nam1
Có lẽ do đặc tính ngôn ngữ của tiếng Việt nên rất khó để chúng ta có thể diễn tả vấn đề này một cách “thẳng băng ruột ngựa” như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Ví dụ, nếu phải diễn tả những ca từ như thế này bằng tiếng Việt, chắc là sẽ không thuận tai chút nào:
 
“Popcorn and cokes beneath the stars became champagne and caviar
Making love on a long hot summer’s night”
(Casablanca – Souchon, Alain & Mac Neil Davis)
 
“I’ve got to get ready just a few minutes more
Gonna get that old feeling when you walk through that door
‘Cause tonight is the night for the feeling alright
We’ll be making love the whole night through”
(Saving All My Love For You – Gerry Goffin  & Michael Masser)
Một trong số những vai trò quan trọng của nghệ thuật là mỹ thuật hóa và thi vị hóa những phạm trù trần trụi của đời thường, một trong số đó là nhục cảm. Xét cho cùng, đó cũng chỉ là bản năng rất bình thường của nhân loại, không có nó thì không có chúng ta ngày hôm nay. Nhưng diễn tả như thế nào mà vẫn giữ được cái đẹp của nó, và vẫn vinh danh được cái hay của ngôn ngữ, mới là chuyện đáng tốn giấy mực để bàn tới.

Lục tìm trong kho tàng ca dao dân gian Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều trường hợp đề cập đến vấn đề này. Có những trường hợp rất trần trụi, cũng có những trường hợp lại bóng bóng gió gió, phảng phất một chút gì đó gọi là nghệ thuật, kiểu như:

“Ví ví von von 
Anh cho một cái

Cõng con về nhà” 



Hoặc có những đoạn với ngôn ngữ “thực dụng” hơn:
 “Hỡi cô mặc yếm hoa tầm 
Chồng cô đi lính cô nằm với ai 
Cô nằm cô đẻ bé trai 
Chồng về chồng hỏi: Con ai thế này ?” 
“Quét nhà long mốt long hai 
Cha mẹ đi vắng dẫn ai vô nhà” 
Vậy thì hôm nay, mình xin chia sẻ với các bạn một vài trích đoạn ca khúc, để nhận thấy chất “dục” đã được các nhạc sĩ khai thác như thế nào trong suốt bề dày hơn 80 năm của nền tân nhạc Việt Nam.
Nếu không kể đến loạt “nhục tình ca”, tả thực một cách trần trụi và không mang chủ đích nghệ thuật của “Thánh” Phạm Duy, thì chúng ta có thể bắt đầu từ Văn Cao – một nhạc sĩ được mô tả là hiền hòa, nội tâm và kín đáo bậc nhất của nền âm nhạc Việt Nam.
 Ông từng viết như sau trong một tác phẩm để đời:
 “Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần”
(Thiên Thai – Văn Cao)
Bài này kể lại chuyện xưa, Lưu Thần và Nguyễn Triệu lạc vào xứ Thiên Thai, vui chơi hoan lạc với những tiên nữ chưa một lần phàm tục. Hai chàng ở lại chốn Bồng Lai mới có nửa năm mà khi quay về trần thì đã trôi qua đến 7 đời con cháu. Phải chăng vị nhạc sĩ tài ba của chúng ta cũng muốn được một lần vui chơi chốn Bồng Lai như những Lưu Nguyễn ngày nào? Xét cho cùng, ca từ của bài này vẫn dè dặt, nhẹ nhàng, thanh thoát như chính con người tác giả. 
Ông bạn Phạm Duy của Văn Cao thì có vẻ táo bạo hơn. Trong một ca khúc cùng thời, ông viết:
“Đêm nay đôi người khách giang hồ 
Gặp nhau tình trăng nước 
Sánh vai nhịp bước giang hồ 
Kề vai ước xây nhà bên suối 
Kề môi ước gây vài đường tơ
Đêm nay hương tình bốc mơ màng 
Huyền âm buồn lai láng
Thướt tha hình dáng yêu kiều 
Bền không hỡi duyên tình kỹ nữ 
Dài không hỡi cung đàn thờ ơ
Ta ôm người đẹp mong manh 
Bên nhau mà hồn xa vắng 
Ta nâng niu làn dư âm 
Của khách năm xưa yêu nàng”
(Tình Kỹ Nữ – Phạm Duy)
Phạm Duy là người phóng túng, hào hoa, đi đến đâu cũng có đủ mọi thể loại tình tứ vây quanh. Tình Kỹ Nữ tuy có phần táo bạo và nóng bỏng hơn Thiên Thai, nhưng vẫn giữ được chất thơ lãng mạn, vẫn xưng tụng một cách toàn diện những “mặt sáng” của một cuộc vui: mộng ước xây nhà bên suối, gây vài đường tơ…
Sau này, ông “Thánh” của chúng ta lại có dịp trổ tài với những tuyệt chiêu cao cấp hơn, chẳng hạn như:
“Cỏ không tên nằm thênh thang,
Rồi vươn lên vì ta yêu nàng
Hỡi ôi con đồi ngoan!
Hỡi ôi cỏ hồng hoang!
Cỏ xanh đổi sắc theo nhân tình
Mặt trời cũng đứng soi tia lành
Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành
Đỏ như trong giấc mơ lung linh”
(Cỏ hồng – Phạm Duy)
Vài đám cỏ xanh không tên tầm thường trên đồi hoang, thấy đôi tình nhân quá nóng bỏng nên đã không giữ nổi màu xanh nguyên thủy, phải vươn lên đổi thành sắc đỏ, rồi sau cùng biến thành cỏ “hồng hoang” của vườn địa đàng, nơi Adam và Eva vui chơi không màng ngày tháng nhọc nhằn. Nhưng vui chơi không được bao lâu thì:
 
“Ngày nào lòng tôi đã 
Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư 
Ngày nào cánh Thiên Đường 
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm 
Tôi ghé răng cắn vào 
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường.”
(Bao Giờ Biết Tương Tư – Phạm Duy)
…Thế là ăn táo rồi nhé! Từ đấy, nhân loại bị đọa xuống phàm trần khổ đau, nơi đầy rẫy những xúc cảm dục lạc, hoành hành trong những đêm gió thoảng, trong ngày hè nóng bức của một đời người:
“Gió thoảng đêm hè, gió thoảng về khuya
Gió gập cô bé lúc tuổi xuân thì, giấc ngủ không mơ
[…]
Cô bé một mình sẽ ngủ một mình
Gió thoảng đêm dài muốn là niềm vui, muốn là ân ái.”
(Gió Thoảng Đêm Hè – Phạm Duy)
 
Không dừng lại ở đó, Phạm Duy lại tiếp tục mô tả cái mùa hè oi bức đó với một mức độ cấp tiến hơn:
 “Mùa hè cho khô những giọt nước
Lệ buồn trong đôi mắt ngủ yên
Tình nồng như hoa ngát nửa đêm
Dù rằng sẽ chóng tàn
 
Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
Mùa hè của uyên ương.”
(Hạ Hồng – Phạm Duy)
Có lẽ khuynh hướng này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến một vài nhạc sĩ sau này khi viết về cùng chủ đề, chẳng hạn như Lê Uyên Phương:
 “Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ.”
(Hãy Ngồi Xuống Đây – Lê Uyên Phương)
Nhưng, hậu sinh khả úy, Lê Uyên Phương đã dựng lên một tượng đài âm nhạc mang một sắc thái riêng biệt, mà sau này chính ông “Thánh” Phạm Duy cũng phải xưng tụng là “nhạc tình nhục tính” tiêu biểu của thời đại. Một vài thí dụ điển hình:
‘Theo em xuống phố trưa mai, đang còn nhức mỏi đôi vai
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau.”
(Vũng Lầy Của Chúng Ta – Lê Uyên Phương)
 
“Một chiều mưa áo trắng đưa nhau
Bên kia đời tình buông nửa vời
Lần này đây đã hết cho nhau
Thôi điên cuồng thịt da rã rời.”
(Đưa Người Tuyệt Vọng – Lê Uyên Phương)
 
Đúng như ký giả Nguyễn Xuân Hoàng từng nhận xét: “Âm nhạc của Lê Uyên Phương là tiếng kêu la chất ngất của thịt da, của loài thú sống với bản năng, của giống đực ngợi ca giống cái, của một sự thực không thể chối cãi về giới tính.”
Nếu như âm nhạc của Lê uyên Phương đưa cái thú đau thương này lên đến đỉnh điểm, thì một vài nhạc sĩ khác cùng thời lại thổi vào tác phẩm của mình những đường nét khoan hòa hơn. Chẳng hạn, Ngô Thụy Miên thì chỉ van xin vài lời ngắn gọn, nhưng nhẹ nhàng, chân thành:
“Cho tôi xin em như gối mộng
Cho tôi ôm em vào lòng 
Xin cho một lần
Cho đêm mặn nồng
Yêu thương vợ chồng”
(Niệm Khúc Cuối – Ngô Thụy Miên)
Hay Từ Công Phụng, khá kín đáo và dè dặt:
 
“Như mùa thu trút lá vàng 
Ngậm ngùi em khóc cho tuổi thơ qua mau 
Hồn nhiên cũng rơi khỏi tầm tay với xa 
[…]
Trên từng cơn lốc mềm
Hồn em đã ngủ vùi trong tiếng thở
Tình tôi cũng mù theo cơn lũ nào
Là lần em đã khóc cho tình yêu.”
(Như Ngọn Buồn Rơi – Từ Công Phụng)
 
Cô gái đã bật khóc bên người tình, sau một lần ái ân nọ, cô đưa tiễn tuổi thơ của mình trôi về dĩ vãng. Kể từ đây, cô đã trở thành một người phụ nữ, không còn hồn nhiên như ngày hôm qua…
Ít lâu sau đó, Đức Huy lại đem đến một cái nhìn trẻ trung và thoải mái hơn:
 
“Da em lụa là, tóc em xoã mềm 
Lung linh trời sao sáng trong mắt em 
Môi em làm thêm khó câu giã từ 
Vì đường xa ướt mưa 
[…]
Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng 
Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng 
Trong cơn ngủ quên trốn câu giã từ 
Vì đường xa ướt mưa
 (Đường Xa Ướt Mưa – Đức Huy)
 
 
Ngay cả Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ của những ca khúc siêu thực đầy triết lý, cũng không thể thu mình trong cái thế giới trừu tượng của mình quá lâu. Ông cũng đã phải một lần “cúi xuống” để tận hưởng những đam mê “ngất lịm” của tình yêu:
 
“Cúi xuống cho tình dấy lên
Cho da thịt mềm
Cho cơn mặn nồng ngất lịm.”
(Cúi Xuống Thật Gần – Trịnh Công Sơn)
Chỉ chừng đó thôi, để thấy trong nền âm nhạc Việt Nam không thiếu những ca khúc đã mạnh dạn khai thác chủ đề này bằng nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề đáng quan tâm là khai thác như thế nào để những sản phẩm âm nhạc có được một tầm vóc nghệ thuật hẳn hoi thay vì phơi bày một cách trần trụi, lộ liễu.
 
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.
 

Biên soạn: Dật Hanh

Phát hành: ADAM MUZIC

Quickom Call Center