Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Giai điệu (Melody) là gì: 7 bước chuẩn viết giai điệu hay

Giai điệu melody là gì

Giai điệu (Melody) là gì: 7 bước chuẩn viết giai điệu hay

Chắc hẳn trong số các bạn yêu thích âm nhạc, muốn trở thành một người Nghệ Sĩ thực thụ. Và sáng tác cho mình những Nhịp Điệu hay nhất.

Nhưng mà những thuật ngữ âm nhạckiến thức âm nhạc đâu dễ dàng nắm bắt một sớm một chiều. Chưa kể tài liệu về âm nhạc bằng tiếng việt vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Những kiến thức phổ biến thì lại được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Bạn đã chuẩn bị chưa? Dưới đây là công thức để tạo ra những giai điệu, nhịp điệu hay!

Ảnh bìa bài Giai điệu là gì
Nội dung bài viết

Hiểu về Giai điệu (melody)

Ai nghe một bài hát mà thực sự chú ý đến những nhạc cụ phía sau?

Trong một ca khúc không chỉ có mỗi lời hát là GIAI ĐIỆU. Mà tất cả các nhạc cụ khác cũng có những lúc họ đánh giai điệu như: Saxophone, Guitar, Bass, thậm chí là trống…

Cùng lắng nghe ca khúc somewhere over the Rainbow. Giai điệu là giọng hát (Vocal).

Chơi Video

Dưới đây giai điệu lại là Guitar.

Chơi Video

Melody là thuật ngữ bắt nguồn từ Hy Lạp, μελῳδία, melōidía, Có nghĩa là lời ca….Ngoài ra còn biết đến như Tune, Voice, Line….

Là tập hợp của những nốt nhạc tuyến tính liên tiếp với nhau, là phần không thể thiếu của âm nhạc. Melody bao gồm 3 thành phần chính là: Tiết Tấu (Rhythm), Cao độ (Pitch)Cường độ (dynamic).

“A melody (from Greek μελῳδία, melōidía, “singing, chanting”), also tune, voice or line, is a linear succession of musical tones that the listener perceives as a single entity. In its most literal sense, a melody is a combination of pitch and rhythm

Như thế nào là “nốt nhạc tuyến tính”?

Là mỗi lần chỉ có “duy nhất” một nốt nhạc được vang lên sau đó đến nốt nhạc thứ 2 và lần lượt từng nốt nhạc. Tương tự như một đường thẳng nằm ngang.

Giống như bạn đi học mà phải điểm danh theo thứ tự hết lớp vậy. Tới lượt bạn điểm danh có ai dám lên tiếng không? 

Vậy sự màu nhiệm của giai điệu đến từ đâu sẽ được sáng tỏ ngay sau đây!

Con đường đi tìm Giai Điệu

Tới đây bạn đã hiểu được phần nào, vậy mình sẽ bật mí cho các bạn một số bí mật nho nhỏ để có thể viết được một đoạn giai điệu hay nhất một cách cực kỳ đơn giản và hiệu quả!

Cấu Trúc Âm Nhạc (Phrase Structure)

Bao gồm các phần: Motif, Phrase(câu nhạc), Section(Đoạn Nhạc). Nếu trong văn học có: ý văn, câu văn, đoạn văn... Thì trong âm nhạc cũng tương tự như vậy. Motif là ý tưởng nhỏ nhất, Nhiều motif tạo thành phrase, nhiều phrase tạo thành section

Motif (Vài bản bản dịch là Mô-Típ)

Motif hoặc motive là một đoạn nhỏ, một vài nốt nhạc ý tưởng chính. Quan trọng nhất hoặc thể hiện được tính chất/tính cách đặc trưng của ca khúc/đoạn nhạc.

Arnold Schoenberg có một định nghĩa về motif như sau:

arnold schoenberg định nghĩa về motif

Theo định nghĩa này, Motif là một hoặc một vài nốt nhạc chứa 2 yếu tố là Quãng (Interval)Tiết Tấu (Rhythm) được sử dụng xuyên suốt trong ca khúc.

Đây là motif của ca khúc City of stars trong bộ phim La La Land. Nếu bạn để ý sẽ nghe được đoạn tiết tấu này và “Quãng 3” được sử dụng rất nhiều lần trong cả Hòa Âm lẫn Giai Điệu.

Motif của ca khúc lalaland
Motif của Ca khúc Lalaland
Chơi Video

Phrase (Câu Nhạc)

Là đơn vị trong cấu trúc âm nhạc được tạo thành từ: Motif và các thành phần khác.

Hiểu về phrase

Kết thúc một phrase sẽ có một điểm kết thúc trong việc sáng tác và hòa âm được gọi là Cadence point (Vài giáo trình gọi là Sự Ngắt nhưng mình không khuyến khích sử dụng ký hiệu này). Ở trên, Cadence là vị trí hợp âm chuyển sang Bb7.

Bạn có thể hiểu Cadencedấu chấm câu trong âm nhạc. Cadence nằm ở ô nhịp cuối cùng.

Cadence point trong âm nhạc

Có nhiều loại cấu trúc Phrase khác nhau như:

  • 2 ô nhịp (Two-bar Rhythm)
  • 3 ô nhịp (Three-bar Rhythm)
  • 4 ô nhịp (Four-bar Rhythm)
  • 8 ô nhịp (Eight-bar Rhythm)
  • 16, 32, ….

Ví dụ cho four-bar Rhythm:

cấu trúc 4 ô nhịp

Phrase Motif bắt đầu từ bất kỳ đâu trong âm nhạc.

Câu nhạc bắt đầu ngẫu nhiên

Các Phrase trong một đoạn nhạc thường giống nhau hoặc gần giống.

Sections (Đoạn Nhạc)

Nhiều Phrase hình thành Section. Các đoạn nhạc đôi lúc khác nhau về Motif và Phrase. Trong ca khúc thường có các đoạn như: Giang tấu, đoạn đầu, điệp khúc…

Repetition và Variation

Là 2 kỹ thuật rất quan trọng trong sáng tác. 

Repetition là những câu nhạc/đoạn nhạc được lặp lại. 

Variation là kỹ thuật tạo sự khác biệt cho Repetition thông qua việc thay đổi: Tiết tấu, cao độ, hòa âm, cường độ, âm sắc…

Sau khi nắm được giai điệu là gì và cấu trúc của một đoạn. Bắt đầu sáng tạo dựa theo một số nguyên tắc mình liệt kê bên dưới.

Đảm bảo bạn nắm hết các kiến thức cơ bản về âm nhạc trước khi đến phần dưới nhé!

Bước 1: Chọn Nhịp (Beat) và Nhịp Độ (Tempo)

Trong bất kỳ ca khúc nào cũng đều có Beat đập đều liên tục. Beat có thể thay đổi nhưng không thể không có. Nó là linh hồn của ca khúc…. Nghe thử nhé. Ca khúc dưới đây mình sẽ mở kèm với máy đếm nhịp (Metronome) cho bạn dễ nhận biết.

Redbone – Come and Get Your Love

Blue Swede – Hooked on a Feeling

Tưởng tượng bạn là người nhạc sĩ (composer) đang sáng tác ca khúc mới và đây là Beat.

Nhịp Beat

Chọn Nhịp Độ (Tempo) nào là phù hợp?

Chọn Tempo quyết định phần nào cảm xúc của ca khúc/giai điệu bạn sáng tác. Thường thì nhanh sẽ vui và chậm sẽ buồn hơn. Nhưng không có nghĩa bạn không được chọn tempo nhanh cho ca khúc buồn và ngược lại. 

Bạn thấy ai Vui mà Khóc chưa?

Nhịp và Nhịp độ

Ở ví dụ này mình chọn Tempo = 80 cho trực quan. Ký hiệu Tempo Được đặt ở đầu ca khúc.

Bước 2: Chọn Khóa Nhạc (Clef)

Để chọn được Clef phù hợp bạn cần trả lời các câu hỏi:

  • Bạn đang viết cho nhạc cụ hay giọng hát? 
  • Ai hát? 
  • Nhạc cụ ấy là nhạc cụ nào? 
  • Âm Vực (Instrument/Vocal Ranges) của các nhạc cụ/giọng hát ấy là bao nhiêu? 
  • Và cuối cùng là nhạc cụ/giọng hát ấy sử dụng Clef nào?

Mình chọn khóa Sol vì viết cho Violin (G3 – A7)

Khóa Nhạc

Bước 3: Chọn Số Chỉ Nhịp (Time Signature)

Time Signature là yếu tố quyết định khung sườn của bài hát. Time Signature quyết định cách xắp sếp Nhịp Mạnh (Strong beats)Nhịp Nhẹ (Weak Beats) trong bài.

Cụ thể hơn, “cách sắp xếp nhịp mạnh và nhẹ” được gọi là Tiết Nhịp(Metre), tiết nhịp đi kèm với số chỉ nhịp.

Lời khuyên của mình là hãy nghe nhạc và trải nghiệm nhiều Time Signature khác nhau cùng những thể loại nhạc. Để cảm nhận được Tiết Nhịp(metre) của số chỉ nhịp ấy.

Ví dụ này mình sẽ chọn nhịp 4/4 đồng nghĩa với:

  • Ô Nhịp có 4 nhịp
  • 1 nhịp sẽ tương ứng với một nốt đen
  • Tiết nhịp: Mạnh – nhẹ – mạnh – nhẹ
Số Chỉ Nhịp

Time Signature có 2 loại là (Nhịp Đơn) Simple Time(Nhịp Đôi) Compound Time. Mỗi loại đều có cái hay riêng, lựa chọn cái phù hợp nhất mới là cái hay nhất.

Bước 4: Chọn Tông và Thang Âm (Key and Scale)

Key Scale là yếu tố quyết định cao độ. Một ca khúc hay không thể thiếu được sự đa dạng và sáng tạo trong keyscale.

Làm sao để chọn Tông (Key)?

Mỗi Key sẽ có một cảm giác, đặc tính riêng trên từng nhạc cụ/Giọng Hát. Như trên Guitar, nốt trầm nhất là nốt E vậy nếu mình chọn Key E cho Guitar có phải sẽ tận dụng được nốt E trầm nhất trên đàn cho những nốt nhạc Nặng nề.

Trường hợp viết cho Giọng Hát, bạn cần nắm rõ quãng giọng của giong hát. Vì thực chất mỗi người có một quãng giọng khác nhau. Có người hát được từ rất thấp đến các nốt rất cao. Nhưng những nốt nhạc hay nhất của một giọng lại là câu chuyện khác.

Biểu độ quãng giọng

Để chọn được cái tốt nhất vẫn là kinh nghiệm và sự hiểu biết về tính năng của nhiều nhạc cụ/Giọng Hát. Những người sáng tác, hòa âm, phối phí đều phải tự bản thân tìm hiểu về cấu tạo, cách đánh của nhiều nhạc cụ khác để có một cái nhìn rộng nhất cho việc sáng tác (Composing).

Có tổng cộng 12 Key khác nhau. Nếu bạn muốn trở nên Chuyên Nghiệp chắc chắn bạn sẽ phải luyện tập trên tất cả các Key. Nhưng ở bài này hãy chọn cho mình ở Key C Major (Tông Đô Trưởng).

Chẳng phải Scale luôn đi kèm với Key sao?

Bạn nào chưa biết về Scale thì mình xin chia sẻ. Ở mỗi key trưởng hay thứ đều có 3 dạng.

  • Trưởng: Natural major, Harmonic major, Melodic major.
  • Thứ: Natural minor, harmonic minor, melodic minor.

Chọn Natural Scale nếu bạn chưa biết về 2 dạng kia. Điều đó không có nghĩa là chọn 1 scale là phải viết theo scale ấy hết bài. Bạn có thể đổi Scale tùy ý, hoặc thậm chí đổi Key.

Đừng quên là tiếu tấu hay thang âm phải phân chia ô nhịp theo cấu trúc: 2 – 4  – 8 – 16 – …

Bắt đầu thỏa sức sáng tạo nào….

Bước 5: Viết Tiết Tấu (Write the Rhythm)

Cách viết tiết tấu trên Khuông Nhạc (Stave) có 3 cách

Cách 1: Viết trên 1 dòng kẻ

Cách viết tiết tấu

Cách 2: Viết không cần dòng kẻ

Cách viết tiết tấu

Cách 3: Viết chung 1 dòng kẻ trong khuông nhạc

Cách viết tiết tấu

Mình muốn các bạn chọn cách thứ 3 vì bạn đang viết Giai Điệu. Nếu chỉ viết Tiết tấu cho nhạc cụ không có cao độ như trống và các bộ gõ khác thì sử dụng cách 1 và 2.

Lời khuyên về Tiết Tấu

  • Lựa Chọn thật kỹ càng và cẩn thận: Số Chỉ Nhịp, Tempo.
  • Chọn cấu trúc tiết tấu (Phrase rhythm) và tuân theo cấu trúc.
  • Không quan tâm về cao độ khi viết tiết tấu.
  • Để ý cẩn thận nguyên tắc gộp nốt, khi nào cần sử dụng dấu nối.
  • Tưởng tượng và lắng nghe âm thanh tiết tấu trong bạn trước khi viết xuống.
  • Gõ nhẹ tiết tấu bằng ngón tay xuống bàn nếu bạn không muốn làm phiền ai.
  • Tạo nên sự đa dạng tiết tấu.

Các kỹ thuật viết Tiết Tấu

Phần lặp lại (Repetitions) sẽ được đặt trong ngoặc vuông.

Tiết tấu lặp là gì

Những ô không lặp lại, có sự khác biệt được gọi là Variations.

Cấu trúc tiết tấu 4 ô nhịp

Repetitions và Variations  rất đa dạng trong âm nhạc.

Tiết tấu biến đổi gì

Repetitions giúp các tiết tấu kết nối với nhau chặt chẽ hơn.

 

Trường hợp khác, mặc dù 4 ô nhịp là hoàn toàn khác nhau, nhưng ô 3,4 được sinh ra dựa trên tiết tấu của ô 1,2. Khi gõ đoạn tiết tấu này, sẽ có cảm giác cân bằng giữa 2 ô tiết tấu 1,2 và 3,4.

answering the rhythm là gì

Không có Repetitions thì cũng không có Variations. Trường hợp này, ô 1 và 2 là Motif chính và ô 3,4 “Answer” 2 ô đầu. Hoặc cũng có thể nói 4 ô tạo thành “Answering” Rhythm.

Bố cục tiết tấu

Số Ô Nhịp thường sẽ là:

  • 2 ô nhịp được viết theo 2 ô đầu để tạo thành 4 ô.
  • 4 ô được viết theo 4 ô đầu để tạo thành 8 ô.
  • 8 với 8 ô thành 16.
  • và tiếp tục giống như vậy cho 32 ,64…..Ô Nhịp.

Mở đầu Tiết Tấu có 2 cách:

Cách 1: Bắt đầu từ nhịp 1 của ô nhịp đầu tiên.

Cách 2: Bắt đầu trước ô nhịp đầu tiên. 

ô nhịp mở đầu

1 ô nhịp không đầy đủ Nhịp ở trước ô nhịp đầu tiên. Đây là Ô nhịp mở đầu (Anacrusis or An Upbeat). 

Những ca khúc có Anacrusis, thường sẽ được kết thúc bằng một ô nhịp lẻ để bù lại số nhịp còn thiếu ở ô mở đầu. Điều này không hoàn toàn bắt buộc.

Kết Thúc đoạn tiết tấu cũng cần chú ý cẩn thận. Dưới đây là ví dụ về 4 ô tiết tấu(Four-bar Rhythm):

Viết tiết tấu một số mẫu tiết tấu hay

Chia sẻ cho bạn một forum thảo luận âm nhạc rất lớn, nếu bạn nào biết Tiếng Anh có thể vào tham khảo. https://forums.abrsm.org/

Bước 6: Đặt Cao Độ (Write a Pitch)

Dựa vào Scale được chọn và các nốt nhạc trong Scale ấy đặt cao độ cho các tiết tấu đã viết.

Trong nghệ thuật, Sáng Tạo chính là Sức Mạnh. Hay và dở còn tùy vào đối tượng người nghe. Nên hãy viết một cách hay nhất đối với bản thân bạn.

Lời khuyên đặt Cao Độ

  • Chọn thật kỹ nhạc cụ/giọng hát bạn sẽ viết.
  • Tìm hiểu kỹ về nhạc cụ ấy và những kỹ thuật đặc biệt của nó.
  • Nắm chắc về Âm Vực của nhạc cụ (Instrument/vocal ranges).
  • Tưởng tượng đến cường độ khi đánh nốt nhạc ấy và thêm các ký hiệu cường độ, kỹ thuật biễu diễn (Articulations and Directions).
  • Hãy lắng nghe tuyến giai điệu của bạn khi viết trong đầu. Sẽ nhanh hơn nếu bạn có kỹ năng xướng âm (Sight Singing).
  • Đánh hoặc hát lên sau khi hoàn thành.
Biểu đồ nhạc cụ

Các kỹ thuật đặt cao độ

Tuyến giai điệu (pitch shape) một số giáo trình gọi là hướng chuyển động giai điệu là  yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đặt cao độ. 

Ví dụ như: Một nữa đoạn đi lên dần và một nữa đoạn sau đi xuống. 

Pitch Shape rất đa dạng nhưng nên được cân bằng. Hình dung tuyến giai điệu qua các hình vẽ sau…

Tuyến giai điệu hay

Có rất nhiều cách sắp xếp cao độ để tạo thành Pitch Shape hay. Nhưng không phải lúc nào nốt cao nhất cũng nằm ở giữa. Tránh một vòng lẩn quẩn lặp lại của một vài cao độ đơn giản.

Ở phần Repetitions, tiết tấu sẽ lặp lại nhưng tránh cao độ cũng lặp lại giống nhau.

Ở 1 vài trường hợp, vị trí của cao độ được liên kết rất chặt chẽ với Hợp Âm, đặc biệt là điểm Cadence. Hãy trang bị cho mình một kiến thức về hòa âm cơ bản trước khi đặt cao độ.

Nối cuối cùng của ca khúc thường là 1 trong 3 nốt của Hợp Âm Chủ (Tonic Trial). Tham khảo những ví dụ sau: Điểm Cadence được ký hiệu là V____.

Lưu ý: Ký hiệu “V” này được dùng cho việc giáo dục âm nhạc chứ không ký hiệu lên bản nhạc thực tế.

Viết Cao Độ Các Mẫu Giai điệu hay tham khảo

Sau khi đặt cao độ mình có một đoạn nhạc như sau.

Ví dụ cơ bản về giai điệu

Bước 7: Cường độ (Dynamic)

Tưởng tượng bạn là người biểu diễn thực sự, bạn sẽ hát đoạn Melody trên như thế nào?

  • Nốt nào mạnh?
  • Nốt nào nhẹ?
  • Cần xử lý tinh tế từng nốt nhạc nào?
  • Có nốt nào đặc biệt hay không?
  • Đoạn nào sử dụng những Kỹ Thuật đặc biệt của nhạc cụ/giọng hát.
  • Mạnh dần? Nhẹ dần?
  • Mạnh/nhẹ bất ngờ 1 nốt?
  • Cảm xúc của melody ấy? Êm ái, nhẹ nhàng hay hoang dã, bạo lực?
  • Khi đánh mạnh/nhẹ các nốt trên nhạc cụ/giọng hát ấy sẽ tạo ra hiệu ứng nào?

Nếu bạn đã biết về Dynamic và các ký hiệu biễu diễn (Performance Directions). Hãy ký hiệu phần Dynamic vì độ quan trọng của Dynamic để tạo nên cảm xúc của ca khúc/giai điệu là không thể bàn cãi.

Bảng ký hiệu tham khảo

 

Direction

Interpretation

fff

louder than ff

ff (fortissimo)

very loud

f (forte)

loud

mf (mezzo forte)

(literally) half loud

mp (mezzo piano)

(literally) half soft

p (piano)

soft

pp (pianissimo)

very soft

ppp

softer than pp

crescendo (cresc.)

gradually becoming louder

decrescendo (decresc.)

gradually becoming softer

diminuendo (dim.)

gradually becoming softer

sf/sfz (sforzando)

(literally) forced: sudden loudness accentuating a note

 

Direction

Interpretation

accelerando (accel.)

gradually becoming quicker

a tempo

in time

ma non troppo

but not too much

rallentando (rall.)

gradually becoming slower

ritardando (rit. or ritard.)

gradually becoming slower

ritenuto (rit. or riten.)

(literally) held back: a more localised slowing down

 

Direction

Interpretation

legato

smoothly

semi-staccato

a little detached, less so than staccato

staccato (stacc.)

detached

tenuto

held

Đây đoạn giai điệu của mình:

Viết ký hiệu cường độ và ký hiệu biểu diễn
Nghe có vẻ không được hay cho lắm đúng không. Mình chắc chắn lần đầu sáng tác không ai viết ra một giai điệu thực sự hay cả. Công thức để viết hay rất đơn giản. HÃY VIẾT ĐẾN KHI NÀO NÓ HAY. Có người 50 lần, có người 100 lần… Đây là đoạn giai điệu của mình sau vài lần viết:
  1. Piano – Thể Loại Nhạc Pop – Mang màu làn sóng xanh mà mình yêu thích
Giai Điệu Thể Loại Âm Nhạc Pop

Cello – Thể Loại Cổ Điển – Phong cách của Claus Ogerman

Giai Điệu Thể Loại Âm Nhạc cổ điển classical

Hoàn thiện Giai Điệu

Khi thực hiện đến bước này, bạn đã hoàn thành xong một phần công việc của một người Viết ca khúc (Songwriting) là Viết Giai Điệu. Tuy nhiên, để hoàn thành ca khúc còn nhiều công đoạn khác:

  •  Phần nền, đệm của ca khúc đó, hòa âm.
  •  Số lượng nhạc cụ, và nhạc cụ nào sẽ chơi ca khúc.
  • Các kỹ thuật của nhạc cụ nào sẽ chơi vào nốt nhạc nào.
  • Viết lời bài hát.
  • Và vô vàn các yếu tố khác để tạo nên ca khúc hay.

Mục đích của bài này là dành cho các bạn mới hiểu rõ hơn về giai điệu. Cảm nhận được việc sáng tác hay và sáng tạo. Kiểm tra lại hệ thống kiến thức của mình còn thiếu ở phần nào để bổ sung dựa vào các bước trên.

Kiểm tra

Kiểm tra lại các yếu tố: Tiếu tấu, cao độ, cường độ.

  • Tiết tấu nghe có hay, có sự khác biệt hay không?
  • Cao độ có đúng thang âm hay không?
  • Có cần sử dụng thang âm khác hay không?
  • Cường độ có phù hợp hay không?
  • Ký hiệu đầy đủ chưa?
  • Đã thỏa mãn cảm xúc của bản thân hay chưa?
  • Đã truyền tải được cảm xúc và sức tưởng tượng vào giai điệu?
  • Bạn đang muốn nói lên điều gì khi viết như vậy?
  • Ý nghĩa đằng sau giai điệu ấy là gì?

Lắng Nghe

  1. Hát đoạn giai điệu ấy lên.
  2. Dùng Nhạc cụ đánh lại
  3. Sử dụng các ứng dụng miễn phí sau đây:
  • Trên Máy Tính: Musescore, Notation, Dorico se…
  • Trên Smartphone: Maestro…

Làm cách nào để Sáng tạo hơn

Như mình nói bên trên, Sáng tạo là Sức mạnh. Mình gặp vô số trường hợp viết giai điệu với nhiều cách khác nhau:

  • Nghĩ gì viết đó.
  • Đặt vòng hợp âm trước viết giai điệu sau.
  • Nhớ được một đoạn giai điệu nào đó.
  • Nằm mơ thấy giai điệu..

Nhưng khi viết xong lại tự hỏi:

  • Nghe quen quen, gặp ở đâu rồi?
  • Nhiều người không hưởng ứng tốt khi nghe 
  • Giai điệu nghe khá tầm thường và không có gì nổi bật

Đó chính là lúc bạn mắc vào “lối mòn sáng tạo” của bản thân được hình thành dựa trên những thể loại âm nhạc mà bạn đã nghe đi nghe lại. Những việc lặp đi lặp lại theo thói quen lâu ngày sẽ hình thành lối mòn.

Giải pháp nào cho sự sáng tạo?

Việc đầu tiên cần làm là thoát khỏi lối mòn tư duy để luyện tập trở thành một người sáng tạo, đổi mới.

Thường xuyên tự hỏi bản thân rằng:

  • Mình có đang làm quá nhiều điều lặp đi lặp lại.
  • Chọn đúng 1 món ăn sáng.
  • Đi đúng 1 con đường mặc dù nó xa hơn vì đi quen rồi.
  • Có đang nghe đi nghe lại quá nhiều một ca khúc.
  • Nghe quá nhiều một thể loại nhạc.

Hãy thử với các biện pháp trong nghệ thuật sau:

  • Tìm những loại hình tiết tấu mới và thú vị hơn.
  • Tìm hiểu về nhiều scale khác.
  • Trải nghiệm âm nhạc dân tộc.
  • Nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau như: blue, jazz, classical, new age, ska,….
  • Đọc sách.
  • Tìm hiểu các bộ môn nghệ thuật khác như: vẽ, nghe nhạc kịch….

29 cách để bản thân trở nên sáng tạo

  1. Lên danh sách
  2. Luôn mang theo sổ tay
  3. Thử viết tự do
  4. Rời khỏi máy tính
  5. Ngưng dằn vặt bản thân
  6. Giải lao
  7. Hát trong lúc tắm
  8. Uống cafe
  9. Nghe nhiều thể loại nhạc
  10. Cởi mở
  11. Kết bạn với những người sáng tạo
  12. Nhận phản hồi
  13. Cộng tác
  14. Không bỏ cuộc
  15. Luyện tập
  16. Cho phép bản thân mắc lỗi
  17. Đến một nơi mới
  18. Lạc quan
  19. Ngủ đủ
  20. Liều lĩnh
  21. Phá luật
  22. Đừng ép buộc
  23. Đọc 1 trang của từ điển
  24. Xây dựng khuôn khổ
  25. Đừng cố theo khuôn khổ của người khác
  26. Ghi lại các ý tưởng
  27. Dọn dẹp nơi làm việc
  28. Vui đùa
  29. Hoàn thành một điều gì đó

Kết

Hiểu được giai điệu là gì, viết được giai điệu hay là cả quá trình dài. Và sẽ hay hơn nữa nếu bạn viết được cả về Hòa Âm cho Giai điệu của bạn.

Mình biết mỗi bạn có một sở thích, đam mê cá nhân khác nhau. Nhưng sự trải nghiệm mới là yếu tố cốt lõi cho việc sáng tạo. Một khi đủ trải nghiệm, việc sáng tạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết thì đam mê của bạn cũng sẽ nâng lên một tầm cao mới.

Beethoven và câu nói hay

Hy vọng những tips nhỏ trên sẽ giúp ích được cho bạn. Hãy bắt đầu ngay sau bài viết này nhé.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm bài viết về các ký hiệu như nốt nhạc, số chỉ nhịp, khuông nhạc trong một bản nhạc. Nhấn vào đây.

Melody là 1 yếu tố rất quan trọng cho 1 bảng nhạc thành công, nhưng nếu chỉ có mỗi melody thì sẽ không cho mình cảm giác đầy đủ. Các bạn có thể xem 1 số trang web dưới đây để giúp bạn làm ra những bài phối siêu hay và làm cho melody của bạn thêm sự đặc biệt nhé:

– Loopmasters

WA Production

–  Angle Vibes

– Music Production

Trân trọng.

Biên soạn: Trần Khắc Thái Sơn

Biên tập: Trần Khắc Thái Sơn

Phát hành và sở hữu bản quyền: ADAM Muzic

Preference:

ABRSM. (1990). ABRSM music theory in pratice Grade 1, Revesed 2008. England: ABRSM Ltd, p. 22-25.

ABRSM. (1990). ABRSM music theory in pratice Grade 2, Revesed 2008. England: ABRSM Ltd, p. 23-26.

ABRSM. (1990). ABRSM music theory in pratice Grade 3, Revesed 2008. England: ABRSM Ltd, p. 26, 27, 32-34.

ABRSM. (1990). ABRSM music theory in pratice Grade 5, Revesed 2008. England: ABRSM Ltd, p. 33-39.

en.wikipedia.org, (2020). Melody. [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Melody”, [8:16, 03/04/2020]

en.wikipedia.org, (2020). Cadence. [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Cadence, [17:02, 04/04/2020]

en.wikipedia.org, (2020). Motif (music). [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Motif_(music) [19:22, 09/04/2019]

en.wikipedia.org, (2019). Repetition (Music). [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Repetition_(music) [19:22, 09/04/2020]

en.wikipedia.org, (2019). Variation (music). [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Variation_(music) [19:22, 09/04/2020]

en.wikipedia.org, (2020). Phrase (music). [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Phrase_(music) [18:32, 09/04/2020]

en.wikipedia.org, (2020). Section (music). [online] Available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Section_(music) [18:32, 09/04/2020]

Eric, (2013). THINKING ABOUT MUSICAL PHRASING FOR IMPROVISATION. [online]Jazzadvice.com. Available at: https://www.jazzadvice.com/thinking-about-musical-phrasing-for-improvisation [17:02, 04/04/2020]

Tuyen, M, (2016). Lối Mòn Tư Duy. [online]bookmarkwithtoni. Available at: https://bookmarkwithtoni.wordpress.com/2016/12/02/loi-mon-tu-duy [13:07, 06/04/2019]

KHÓA HỌC NHẠC ONLINE

KHÓA HỌC HÁT HAY NHƯ THẦN TƯỢNG

TƯ VẤN KHÓA HỌC

Bấm nút Tư Vấn Ngay để được tư vấn khóa học tại ADAM Muzic hoàn toàn miễn phí
Quickom Call Center