Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Làm sao để kiểm soát giọng hát – Hát thật thoải mái, feel cùng âm nhạc.

Làm sao để kiểm soát giọng hát – Hát thật thoải mái, feel cùng âm nhạc.

  1. Mong muốn của người hát:

Trước khi đi vào những bài sau, là những phần các bạn vô cùng quan tâm khi hát, chẳng hạn như là chest belting, mix voice, headvoice,…việc chuẩn bị một tâm lý vững để học, trải nghiệm và biểu diễn theo mình, cũng là một điều quan trọng không kém kiến thức. Đây là một bài viết rất thú vị mà mình nghĩ các bạn nên đọc qua một lần. 

Mong muốn của người hát, là có đầy đủ hiểu biết về kĩ những thuật thanh nhạc và thuần thục trong việc thực hành chúng, để khi biểu diễn có thể dễ dàng lên cao xuống thấp, thay đổi âm sắc và cách hát theo ý muốn ở những đoạn khác nhau, qua đó dễ dàng truyền tải cảm xúc tới người nghe.

  • Những vấn đề thường mắc phải:

Đây là những cái bẫy tâm lý mà người tập hát, và biểu diễn thường phải đối mặt. Những gợi ý dưới đây mang tính chất chủ quan và kinh nghiệm của tác giả, nếu có những ý kiến không hợp với bạn, xin vui lòng bỏ qua, hoặc nếu có ý kiến riêng, xin hãy để lại bình luận phía dưới. 

  1. Nên hiểu rằng cốt lõi của bài hát là tư duy và cảm xúc:

Kĩ thuật hát chỉ là phương tiện để truyền đạt mà thôi. Không chú trọng kĩ thuật thì khó mà biểu đạt được ý muốn của người hát, nhưng quá chú trọng kĩ thuật cũng có thể làm mất đi cảm xúc và tư duy bên trong. Chúng ta sẽ nên cân bằng giữa những điều này, cảm xúc và tư duy, cảm giác về âm thanh, và kĩ thuật hát.

  • Sự máy móc trong khi học kĩ thuật:

Chúng ta tạo ra những định kiến khi học, mà không có sự linh hoạt.

Ví dụ như luôn phải nhấc vòm mềm, và định kiến rằng không nâng vòm mềm là sai. Hoặc cho rằng vị trí âm thanh phải ở một chỗ nào đó nhất định chứ tuyệt đối không được thay đổi. Một ví dụ khác, luôn phải rung giọng mới là hay; hoặc phải luôn đè thanh quản thật thấp, và tuyệt đối không được cao thanh quản khi hát; Luôn phải loại bỏ giọng mũi khi hát, vì đó là sai.

Có nhiều người còn cho rằng mix voice là quan trọng nhất khi hát, và balance mix voice thì càng hay hơn những giọng mix khác. Điều này càng không đúng, một kĩ thuật chỉ hay khi nó phù hợp với giọng, và được dùng đúng chỗ mà thôi. Việc chúng ta cho rằng kĩ thuật a tốt hơn kĩ thuật b, là một suy nghĩ sai lầm làm cho việc tập hát trở nên áp lực.

Cũng bởi vì những suy nghĩ máy móc này mà chúng ta không rộng mở trong việc học hỏi những trường phái khác nhau. Thực tế, việc nâng vòm mềm, hạ thanh quản, cao thanh quản, dùng giọng mũi, tập mix voice… đều có những tác dụng riêng lên âm sắc của giọng, chúng không sai và đúng, miễn là phù hợp với mục đích biểu đạt của bài hát và khả năng người hát.

Việc tự áp lực bản thân và gò bó vào các quy định thế nào là sai, thế nào là đúng, làm cho chúng ta căng thẳng khi luyện tập hoặc khi hát, làm giảm hiệu quả biểu diễn, gây stress. Có nhiều trường hợp, dù có hát rất đúng các kĩ thuật nhưng giọng hát nghe vẫn bị căng thẳng không được thoái mái, bay bổng. Người hát không thể hòa mình vào cảm xúc, và feel cùng với âm nhạc được.

Người ta thường cho rằng cao thanh quản là không tốt, nhưng vẫn có rất nhiều ca sĩ, khi cao thanh quản, âm sắc của họ lại rất hay và phù hợp với bài hát đã chọn. Tạo thành một phong cách riêng.

  • Thanh quản là các sợi cơ và nó cũng có vấn đề về sức khỏe riêng:

Đôi khi chúng ta học nhiều kĩ thuật hát, chăm chỉ luyện tập và  tự áp đặt rằng học nhiều sẽ làm được, mà không hiểu rằng, thanh quản là những sợi cơ đàn hồi, chúng có tình trạng sức khỏe riêng. Chúng ta không thể kì vọng và ép chúng làm việc 10 lần như một được. Hãy nhẹ nhàng với dây thanh của mình.

Đừng vì đôi khi vỡ nốt, thất bại, mà tự ti vào bản thân hoặc thất vọng về việc học tập và luyện tập.

  • Học ghi nhớ cảm giác cơ mà không hiểu rõ phần khoa học của kĩ thuật, hình thành thói quen và không thể kiểm soát thói quen đó:  

Chúng ta tập một số kĩ thuật thành quen nhưng không hiểu rõ về nó (nó đang điều chỉnh âm sắc như thế nào, đang vận dụng nhóm cơ gì,…). Bởi vậy mà khi trình bày những ca khúc thuộc thể loại khác, chúng ta vô tình chứ không cố ý, lại áp dụng những kĩ thuật theo thói quen. Có khi, chúng ta không muốn như vậy, nhưng đến đoạn đó, cơ bắp lại hành xử như cũ và bối rối không biết làm sao sửa chữa được.

  • Nỗi sợ khi biểu diễn:

Kinh nghiệm của mình và rất nhiều bạn theo đuổi con đường ca hát cho biết rằng, nên xem buổi biểu diễn như một cuộc dạo chơi. Hãy đảm bảo rằng chúng ta đã chuẩn bị kĩ, và không trình bày những ca khúc mà mình chưa chắc chắn. Biểu diễn những ca khúc bạn hiểu rõ về nó và có thể feel khi hát, sẽ nuôi dưỡng sự tự tin trong bạn. Còn những gì chưa làm được, hãy để lại nơi phòng tập, và cố gắng hơn cho đến khi bạn cảm thấy dễ chịu khi hát nó.

Nina Simone hát ca khúc “Feeling good”một cách tự do và thoải mái như nội dung của bài hát ấy

  • Đừng nghĩ rằng kĩ thuật thanh nhạc sẽ giúp bạn hát cả thế giới:

Mỗi loại giọng sẽ có những ca khúc phù hợp riêng, điều này rất quan trọng trong việc tạo nên vườn hoa âm nhạc phong phú. Một mình ca sĩ nọ, không thể hát xuất sắc tất cả mọi thứ.

Bởi vậy mà bạn đừng áp lực bản thân.

Hãy tìm ra thể loại, và các bạn hát mà bạn thích và cảm thấy phù hợp nhất. Bạn vẫn có thể thử thách bản thân ở những ca khúc thuộc thể loại khác, những hãy xem nó như một cuộc trải nghiệm. Đừng tự ép mình phải làm được mọi thứ trên đời. Không có trường phái thanh nhạc nào có thể đáp ứng mong muốn này.

Người biểu diễn thông minh, chọn bài hát, cách hát và phong cách hợp với chất giọng, điểm mạnh của mình, mỗi người một màu sắc riêng biệt.

  • Bạn có thể điều chỉnh, gia giảm ngay khi đang hát, đừng quá lo lắng:

Nếu một hai nốt đầu tiên hơi chông chênh, không sao cả, mọi thứ vẫn nằm trong tầm điều chỉnh của bạn. Đừng mãi âu lo về những nốt không ổn trước đó, mà quên đi sự tận tâm dành cho các nốt bạn đang hát ở thời điểm hiện tại. Chúng ta luôn có thể điều chỉnh gia giảm những yếu tố âm sắc, âm lượng và cách hát của mình.

  • Kết luận:

Tinh thần thoải mái, không gắn chặt với các định kiến hay phê phán, là điều quan trọng không thua kém gì việc học kĩ thuật thanh nhạc. Hy vọng bài chia sẽ trên sẽ giúp các bạn có một góc nhìn mới về việc ca hát. Chúng ta chăm chỉ và tỉ mỉ khi luyện tập, nhưng hãy bay bổng khi trình diễn.

Trước khi tiến xa hơn vào những bài khó trong kĩ thuật hát như Mix voice, twang, headvoice,… mình mong rằng bài viết này sẽ giải tỏa căng thẳng và tiếp thêm động lực để các bạn tiếp tục luyện tập tự tin và thoải mái. Một lần nữa, đây là những ý kiến và kinh nghiệm cá nhân, mong được chia sẻ với các bạn, nếu các bạn không đồng tình, xin hãy bỏ qua.

  • Tác giả: Nhật Thanh
  • Nguồn ảnh tổng hợp từ Internet.
Quickom Call Center