Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Học sáng tác từ những tác phẩm hay – Phần 1

Học sáng tác từ những tác phẩm hay – Phần 1

Một lần trao đổi với anh Nguyễn Hải Phong, mình được sự đồng ý từ anh phân tích một vài ca khúc do anh sáng tác nhằm mục đích giúp các bạn trẻ yêu âm nhạc và thích sáng tác có được cơ hội cảm nhận và hiểu được âm nhạc theo giá trị chiều sâu hơn là những âm thanh “vui tai”.

Chắc hẳn các bạn cũng đã đôi lần nghe đâu đó vài ca khúc của Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong như Tan Biến, Dòng thời gian, Con ma, Góc tối, Ba kể con nghe… Chúng ta hãy xem qua những thủ thuật trong các sáng tác của anh nhé.

1. Ca khúc Dòng thời gian.

Khi nghe ca khúc này, các bạn hãy chú ý vào cách dùng từ ngữ và vần điệu.

Vần “ao” được sử dụng ở cuối mỗi ý nhạc trong 4 ô nhịp đầu tiên

“Từng ngày nào, nồng nàn từng câu ca dao.
Từng ngày lặng lẽ sống với kỷ niệm ngọt ngào, bình yên những giấc chiêm bao.”

Hay vần “ơi” được vận dụng nhiều trong những ý nhạc ở 4 ô nhịp tiếp theo

“Qua rồi một thời vội vàng rong chơi, rồi một thời yêu đương sớm tối, giữa thênh thang bầu trời, nắng gió muôn nơi.”

Vần “i” trong câu “Thời gian qua đi, bộn bề nhiều lần suy nghĩ, đời ngọt ngào thì đôi khi.”

Cả bài nhạc đều được ứng dụng thủ thuật vần điệu để tạo sự hấp dẫn dễ nhớ cho lời nhạc.

“Tình yêu nơi đâu vội vàng tìm hoài không thấu. Thôi, dừng làm chi rồi lại đi. Bao nhiêu năm rồi làm và được , ngày tháng sao vội đi đôi khi không như ý……

… Đường còn dài, và còn nhiều hơn chông gai.
Rồi thì lặng lẽ những tháng ngày buồn ở lại, ngày vui dễ lắm mau phai.
Mai về nhìn lại cuộc đời vui ghê, về nhìn lại yêu thương vẫn thế, giữa cơn đau nặng nề, khốn khó lê thê.”

Và cách sử dụng vần như vậy luôn được Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong vận dụng rất tinh tế và khéo léo để lời nhạc được liền mạch, thuận tai, dễ nghe và dễ nhớ. Ngoài ra, cách sử dụng vần điệu như vậy còn giúp đưa những từ ngữ tưởng chừng như khó mang vào âm nhạc lại trở nên dễ dàng hơn. Như việc nhạc sĩ đưa từ “ca dao” vào trong câu hát lại không “sến” nhờ lối hòa âm và sáng tạo giai điệu trẻ trung và một phần không nhỏ ở cách vận dụng vần trong sáng tác ca khúc. Những từ như “vui ghê, lê thê” thường khá khó để đưa vào ca khúc mà không bị sượng, lại được nhạc sĩ mang vào một cách uyển chuyển, hợp lý.

Nhiều bạn gặp khó khăn khi phải vật lộn hàng giờ để tìm cho mình một từ phù hợp để “vần” được với câu nhạc thi cho rằng phải có vốn từ rộng lớn mới viết được vậy vì tìm từ rất mất thời gian. Cũng do mất thời gian nên nhiều bạn chọn giải pháp nhanh gọn bằng cách dùng lại từ mượn được từ những ca khúc khác hay thậm chí bỏ qua chuyện vần điệu.Điều này cực kì thiếu sót vì đây là một trong những thủ thuật khá cơ bản mà lại mang lại hiệu quả khá lớn. Nó giúp ca khúc trở nên hấp dẫn hơn, người hát thể hiện ca khúc được dễ dàng hơn, người nghe nhớ được ca khúc của bạn nhanh hơn, lại giúp việc học thuộc để hát lại cũng dễ dàng hơn nhiều hơn và như trên đã đề cập, đôi khi việc chọn từ có vần điệu giống nhau lại giúp đưa những từ ngữ thô kệch, đời thường trở nên gần gũi, vui tai hơn.

Tôi khuyên bạn nên đọc sách về những chủ để mình thích để có vốn từ đa dạng hơn, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bạn trong quá trình sáng tác ca khúc.

2. Ca khúc Con ma

Với ca khúc này, điểm đặc biệt ở chỗ sử dụng thủ thuật dùng đặc tính của quãng nghịch để tạo màu sắc chói tai, nghe khó chịu, căng thẳng, ghê sợ thể hiện được ý đồ của ca khúc “Con ma”. Hãy để ý đoạn piano dạo đầu và bạn sẽ cảm nhận sự kì quái ở 00:25 trong bài nhạc trên. Đây là một thủ thuật khá sáng tạo trong hòa âm phối khí.

Tôi nêu thủ thuật này trong phạm vi bài viết này có vẻ không liên quan đến sáng tác ca khúc nhưng vì muốn các bạn có cái nhìn tổng thể về tính sáng tạo trong một bài nhạc chứ không chỉ giới hạn trong giai điệu, ca từ.

3. Ca khúc Góc tối

Bạn hãy lắng nghe phần hòa âm ban đầu với tiếng Piano chơi hợp âm F#m nhưng lại chơi nốt bậc 2 (G#) –> F#sus2 tạo cảm giác treo, lưng lửng, khiến người nghe có cảm giác cô đơn, bơ vơ, lạc lõng. Thêm vào đó là câu loop (tiếng nhạc cụ điện tử lặp lại liên tục) chơi ở nốt C# sử dụng hiệu ứng cắt tần làm âm thanh đi từ “tối” sang “sáng” kết hợp với hợp âm D ở ô nhịp tiếp theo tạo thành hợp âm DMaj7 khiến người nghe có cảm giác bơ vơ, vô định. Lần này, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong lại dùng những thủ thuật từ màu sắc và đặc đính hợp âm để diễn tả ý nhạc của mình. Rõ ràng điều này rất hiệu quả khi người nghe chỉ cần lắng nghe đoạn nhạc dạo đầu là đã cảm nhận được cảm giác cô đơn, lưng chừng và một chút buồn xa xăm.

Thêm vào đó là giai điệu bài hát, câu nhạc đầu tiên “Cho tôi đêm nay tôi không lạnh lùng” được viết ở các nốt “E – E – E – E – E – E – C# – C#” ở giọng trầm tạo sự tối tăm, kết hợp với phần hòa âm của các nhạc cụ trên trên góp phần tạo ra màu sắc miên man  do hình thành hợp âm F#m9 ở ô nhịp đầu và DMaj9 ở ô nhịp thứ 2 càng làm tăng cảm xúc và ý nhạc lên.

Như vậy với những thủ thuật từ sự am hiểu hòa âm có thể giúp chúng ta sáng tạo hơn và diễn tả được tâm trạng, nội dung ý nhạc được đầy đủ và sâu sắc hơn.

Như vậy qua 3 ca khúc trên của anh Nguyễn Hải Phong, ta đã thấy sự vận dụng khá tinh tế về cách sử dụng ca từ, vần điệu, cách dùng những tiểu tiết trong hòa âm để tạo màu sắc đặc trưng và thể hiện được đúng cảm xúc trong từng ca khúc. Vận dụng được những điều này sẽ giúp âm nhạc của bạn tinh tế hơn và dễ chạm được trái tim khán giả hơn. Cảm ơn anh Nguyễn Hải Phong đã cho ra đời những tác phẩm hay và đồng ý để ADAM Muzic sử dụng các ca khúc của anh như một ví dụ giúp các bạn hiểu rõ hơn về quá trình sáng tác một ca khúc. Chúc các bạn sẽ thành công với tác phẩm đầu tay của mình nhé.

Biên soạn: Đoàn Nhược Quý

Phát hành: ADAM Muzic

Quickom Call Center