Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Hồ sơ năng lực và sự thành công của nhóm nhạc

Hồ sơ năng lực và sự thành công của nhóm nhạc

Hồ sơ năng lực và sự thành công của nhóm nhạc

Nói về Hồ sơ năng lực, ADAM Muzic có một mảng hoạt động là cung cấp dịch vụ biểu diễn và tổ chức biểu diễn cho các doanh nghiệp. Đợt rồi có một số chương trình cần hợp tác với các ban nhạc và ca sĩ, sau khi đăng thông tin, ADAM Muzic đã nhận được khá nhiều email về hồ sơ năng lực (Portfolio) của các ban nhạc, và cũng nhận thấy một số lượng lớn các ban nhạc khá hời hợt trong việc xây dựng hồ sơ thông tin của minh, đây cũng chính là lý do khiến các bạn khó cạnh tranh với nhiều ban nhạc có cách tự quản lý chuyên nghiệp hơn, và cũng là lý do khiến các bạn ít show hơn và giá trị cát xê (từ mượn từ chữ Cachet trong tiếng Pháp trong tiếng Anh có thể gọi là Honorarium) mỗi show cũng thua thiệt hơn.

Hôm nay ADAM Muzic sẽ chia sẻ bài viết hướng dẫn các bạn xây dựng một hồ sơ năng lực chuyên nghiệp giúp bạn hoặc ban nhạc của bạn sẽ được để ý và chọn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Hồ sơ năng lực – Portfolio là gì?

Như cái tên của nó, Hồ sơ năng lực hay portfolio là một tập hồ sơ gồm nhiều trang thông tin nhằm mang đi khắp nơi để “khoe” thành tích của người đó, thông qua một số sản phẩm đã thực hiện, đây chính là một bộ tổng hợp thông tin về năng lực và quá trình hoạt động của bạn hoặc ban nhạc bạn giúp những đối tác khi cần có thể hiểu về bạn hơn dù chưa biết bạn là ai.

Như vậy portfolio của bạn rất quan trọng, đừng hời hợt với nó

HỒ SƠ NĂNG LỰC GỒM NHỮNG GÌ?

  1. Thông tin cá nhân

Thông thường, thông tin cá nhân là điều không thể thiếu. Cá nhân ở đây nghĩa là nếu bạn là ca sĩ hát đơn, thông tin cá nhân là thông tin của bạn, nếu bạn là nhóm nhạc, thông tin cá nhân là thông tin nhóm nhạc của bạn. Có người gửi hồ sơ năng lực của nhóm nhạc của mình gồm 7 thành viên trong đó hết 7 trang kể về thông tin và tiểu sử từng người. Đứng ở góc độ là người từng chơi ban nhạc (Nhóm ADAM, Nhóm November, Nhóm The Zoo), mình hiểu việc làm này vì muốn tôn trọng các thành viên cũng như “show off” được nhiêu thì “show off” cho mọi người biết về năng lực của từng người. Tuy nhiên đứng ở góc độ là người làm việc với nhiều Công ty trung gian (Agency) và khách hàng doanh nghiệp, thật sự, họ không quan tâm các chi tiết này, khi các bạn đưa quá nhiều thông tin bắt họ phải rê chuột suốt mấy trang mà vẫn không tìn thấy thông tin cần thiết, họ sẽ bỏ qua bạn.

Vậy nên, thông tin dù là cá nhân hay ban nhạc gồm nhiều thành viên nên nằm tổng hợp và gói gọn trong một trang duy nhất.

  1. Hình ảnh

Hình ảnh chiếm đến 70% khả năng quyết định chọn lựa bạn cho chương trình của họ, một số hình ảnh ban nhạc mình nhận được qua mail có hình ảnh bạn guitar mặc quần đùi lòi mấy cọng lông chân, bạn đánh trống mặc áo ba lỗ cầm điếu thuốc phì phèo, phần hậu cảnh phía sau có anh bưng nước với cái khay để ly…. Với hình ảnh ban nhạc như vậy, làm thế nào để bạn hoặc ban nhạc của bạn có thể nhận được các dự án lớn của các tập đoàn? Lời khuyên của mình: Bạn hoặc ban nhạc của bạn nên cố gắng dành 1 khoản tiền nhỏ (tầm 2 – 3 triệu), đến 1 studio và chụp một bộ ảnh tươm tất, bộ ảnh đó giúp bạn có thể chinh phục được khách hàng bởi sự chu đáo và chuyên nghiệp. Cố gắng đừng tận dụng quá nhiều ảnh biểu diễn bên ngoài vì nghĩ rằng nó giúp bạn tiết kiệm chi phí và giúp khách hàng biết bạn “có đi biểu diễn”. Mình sẽ giải thích vấn đề này bên dưới.

 

ho-so-nang-luc-ca-si-doan-nhuoc-quy-2

Ho-so-nang-luc-doan-nhuoc-quy-va-november-band

Đoàn Nhược Quý và nhóm November

  1. Thông tin biểu diễn

Bạn có thể thu thập các thông tin biểu diễn của mình hoặc ban nhạc mình và để vào trong này, nhưng hãy thử nghĩ xem, bao nhiêu khách hàng đủ thời gian và kiên nhẫn đọc hết một danh sách dài gần 50 địa điểm biểu diễn của bạn?

Họ chỉ quan tâm đến những địa điểm lớn, nổi bật, do vậy, các bạn chỉ cần ghi tên các địa điểm hoặc sự kiện nổi bật như: Biểu diễn tại lễ kỉ niệm công ty Viettel, Quảng cáo cho Coca-Cola, Ghi hình tại đài truyền hình HTV…

Chỉ cần 5 – 7 thông tin như thế này là đủ để họ chọn bạn bởi độ nặng kí của các thương hiệu. Đừng đưa vào các thông tin như “Từng diễn nhiều quán cà phê, cà phê A ở Long An, Cà phê B ở Quận 12, Quán hát với nhau C ở bla bla…”

Mấy thông tin như thế này khiến cát xê của các bạn bị hạ xuống kinh khủng và cái nhìn từ khách hàng cũng kém thiện cảm hơn với bạn, họ sẽ không chọn bạn cho các dự án lớn. Nếu khó khăn quá vì chưa từng diễn các chương trình lớn, bạn có thể chọn lựa vài ba cá lớn nhất trước giờ từng diễn, kiếm hình ảnh minh họa đẹp đẹp, nhìn hoành tráng tí để đưa vào, như vậy cơ hội sẽ đến với bạn dễ dàng hơn.

ho-so-nang-luc-ca-si-doan-nhuoc-quy

Hồ sơ năng lực Đoàn Nhược Quý

 

  1. Giải thưởng

Mình từng gửi các thông tin cho khách hàng khi còn non nghề như: Top 40 Vietnam Idol, Top 49 Vietnam’s Got Talent… đến sau này bớt non nghề mới thấy lúc đó như thằng ngố rừng, vì đối với bạn, vượt qua được cả mấy nghìn thí sinh vào được vòng gần cuối như thế là một nỗ lực lớn và rõ ràng bạn cũng có năng lực, thế nhưng với khách hàng, họ không quan tâm đâu, họ chỉ quan tâm giải nhất hoặc vòng vòng chung kết thôi.

Như vậy việc đưa các thông tin như từng tham gia cái này cái kia mà cuối cùng khách hàng không thể tìm thấy thông tin của bạn trên các kênh truyền thông lại khiến họ đánh giá bạn thấp đi, một số người còn cười bạn vì những thông tin đó. Thay vào đó bạn hãy đưa các thông tin giải thưởng quan trọng (nếu có) như giải nhất, nhì, ba của một cuộc thi nào đó.

Nếu căng quá, chưa có giải thưởng nhưng lại từng tham gia một cuộc thi nào đó và cũng khá ấn tượng và cũng có một hai tờ báo đăng hình hoặc nói về bạn (hoặc nhóm bạn) thì ghi vào cũng được, nhưng nhớ kèm theo vài tấm hình chụp màn hình tờ báo đó, kèm theo link dẫn về trang đó càng tốt, để khách hàng còn xác minh tính xác thực thông tin và sẽ cảm thấy tin tưởng bạn hơn.

 

doan-nhuoc-quy-va-hop-ca-tranh-tai-2010

 

  1. Trang phục

Hãy cho khách hàng thấy hình ảnh đẹp nhất và đa dạng của bạn hoặc ban nhạc của bạn bằng cách hình ảnh đẹp, bắt mắt. Nếu là rocker, kiếm một bộ đồ vía ngầu ngầu nhiều phụ kiện, ánh sáng lung linh, chất lượng rõ nét để khách hàng chọn bạn cho một sự kiện thu hút giới trẻ yêu rock. Nếu là một nhóm nhạc sang trọng thì kiếm mấy bộ vest thời trang để khách hàng thấy bạn phù hợp với dự án sang trọng và đẳng cấp của họ. Trang phục rất quan trọng bởi nó khiến khách hàng đánh giá vẻ bề ngoài chỉn chu của bạn.

Hồ-sơ-năng-lực-Đoàn-Nhược-Quý-nhóm-ADAM-HTV

Đoàn Nhược Quý và nhóm ADAM

  1. Video

Rất nhiều bạn gửi hồ sơ cho mình không có video, trong khi cái này là cái quan trọng nhất, làm sao mình chọn bạn hoặc nhóm nhạc của bạn khi không biết nhóm nhạc của bạn chơi nhạc gì, hay hay dở, giao tiếp sân khấu ra sao…? Video có thể để kèm vào portfolio như một đường link dẫn sang kênh Youtube hoặc bạn đính kèm bên trong email của bạn. Dù là cách nào, video biểu diễn cần phải có và nên nằm trong khu vực dễ nhìn thấy nhất, nếu để ở chỗ “hiếm thấy khó tìm” thì chịu khó ghi thêm dòng chữ:

“Mình/Em có đính kèm một số video biểu diễn của nhóm bên dưới email (hoặc bên trong hồ sơ năng lực – porfolio) để Anh/Chị/Bạn có thể xem về chất lượng và phong cách biểu diễn của nhóm.

Có video, khả năng bạn nhận được phản hồi cũng như nhận được dự án sẽ cao hơn rất nhiều. Số lượng Video nên có từ 3 – 5 Video với đa dạng các thể loại để khách hàng biết được thế mạnh của bạn và xem xét sự phù hợp với chương trình.

  1. Sản phẩm

Bạn cũng có thể thêm các sản phẩm âm nhạc của bản hoặc nhóm nhạc bạn như Album nhạc của nhóm sáng tác, các đĩa đơn, các MV lung linh mới ra lò… Điều này giúp khách hàng xem bạn như một nghệ sĩ chuyên nghiệp thật thụ hơn là chỉ xem các bản cover, hát ở quán cà phê của bạn. Tất nhiên không phải nhóm nhạc nào cũng có điều kiện đầy đủ để làm sản phẩm của mình, nhưng các bạn nên xem đây là một mục tiêu nếu muốn phát triển đi lên trong cái ngành đầy cạnh tranh này.

 

  1. Liên hệ

Một số bạn gửi thông tin rất tốt, rất ưng ý khách hàng, cuối cùng không có điện thoại liên hệ, gửi emai thì đợi sau 2 ngày các bạn mới trả lời, khi đó, khách hàng chọn nhóm khác rồi.

Thông tin liên hệ rất quan trọng, bạn cần rõ ràng và chỉn chu với nó, email liên hệ nên là email ban nhạc, không nên dùng email cá nhân, điện thoại liên hệ nên là điện thoại của người quản lý hoặc trưởng nhóm, đại diện nhóm, không nên đưa một nùi số, muốn gọi ai cũng được, rồi khi gọi, mỗi người ra một giá khác nhau là tạch.

Tránh

Email: Cobebietyeu@yahoo.com

Điện thoại: Nguyễn Văn A: 090999XXXX

                 Nguyễn Văn B: 093777XXXX

     Nguyễn Văn C: 092111XXXX

Anh chị gọi số nào cũng được ạ. 🙂

Nên

Email: adamband@gmail.com hoặc info@adamband.com

Điện thoại: 0903 3XX XXX (Hoàng Quân – Quản lý nhóm, trưởng nhóm, hoặc đại diện nhóm)

(Nên tách số điện thoại bởi những khoảng trống để khách hàng không bị rối mắt)

MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC

Kịch thước và hình thức Hồ sơ năng lực –  Porfolio

Thường khi gửi hồ sơ năng lực (portfolio), các bạn sẽ gửi bản PDF file A4, điều này đúng trong truyền thống vì Porfiolio thường sẽ được các doanh nghiệp hoặc cá nhân in ra để mang đi giới thiệu với đối tác, khách hàng nhưng thời đại internet ngày nay khách hàng là các công ty, doanh nghiệp, họ khá bận rộn và thường làm việc trên máy tính với màn hình ngang, do đó các bạn nên làm thêm 1 bản dành cho màn hình máy tính.

1 bản PDF kích thước A4 để có lỡ họ xem trên ipad hoặc điện thoại, hoặc in ra (khá hiếm gặp).

1 bản PDF kích thước cùng cỡ màn hình (16.9 hoặc 16.10) để khách hàng xem ngay trên máy tính.

Portfolio nên giới hạn trong khoảng 10 trang, đừng nhiều quá, khách hàng đọc không có hết.

Hồ sơ năng lực Đoàn Nhược Quý và nhóm The Zoo

Đoàn Nhược Quý và nhóm The Zoo

Đối tượng gửi

Bạn cần biết bạn đang gửi mail cho ai, lớn hơn hay nhỏ hơn bạn (vì chúng ta đang sống trong văn hóa Việt Nam), chức vụ như thế nào, là công ty trực tiếp hay qua đối tác trung gian…để có cách xưng hô và trao đổi phù hợp, ngoài ra các bạn cũng nên tìm hiểu thêm về cách Viết một email chuyên nghiệp cần có những mục nào, chào hỏi ra sao, trình bày vấn đề như thế nào, kết thúc email làm sao cho nó thiện cảm… Có như vậy khách hàng mới đánh giá cao các bạn được.

Báo giá.

Các bạn nên có 2 báo giá, một báo giá trực tiếp với khách hàng là người dùng cuối, một báo giá với bên trung gian, tránh tình trạng khách hàng hay đối tác trung gian cứ gọi đi gọi lại nhiều lần để chốt giá, một người làm việc chuyên nghiệp sẽ đưa sẵn ra các mức giá phù hợp với khách hàng để khách hàng cứ thế mà chọn rồi book show thôi. Tất nhiên không phải lúc nào cũng chính xác với ý khách hàng nhưng ít nhất các bạn làm khách hàng thấy hài lòng hơn bởi sự lanh lợi của bạn và thuận tiện với họ.

Ví dụ (Các bạn có thể điều chỉnh mức cát xê phù hợp với mình):

Báo giá cho khách hàng lẻ, doanh nghiệp, người dùng cuối

Biểu diễn trong nội thành TP HCM: 3.000.000đ/1 suất diễn (30 phút hoặc 3 – 5 bài)

Phát sinh thêm: 500.000đ/5 phút hoặc 1 bài

 

Biểu diễn ngoại thành TP.HCM: thêm 50% chi phí (chưa bao gồm phí đi lại và ăn ở)

Phụ cấp di chuyển, ăn, ở nếu có: 500.000đ/1 người/1 ngày

 

Biểu diễn tỉnh, cách TP.HCM 50km – 200km (Hoặc khoanh vùng khu vực như: Cần Thơ, Vũng Tàu): thêm 100% chi phí (chưa bao gồm phí đi lại và ăn ở)

Phụ cấp di chuyển, ăn, ở nếu có: 1.000.000đ/1 người/1 ngày

Phát sinh thêm: 1.000.000đ/5 phút hoặc 1 bài

 

Chi phí trên đã bao gồm 10% VAT hay chưa?

Bạn có xuất hóa đơn đỏ được hay không?

Các ngày lễ Tết (theo quy định nhà nước hoặc các bạn tự ấn định chính xác là ngày nào) sẽ tăng thêm 100% hay 200, 300%

….

Tương tự vậy các bạn làm thành 1 báo giá cho tất cả các khu vực bạn có thể biểu diễn, ghi chi tiết vào, khách hàng cứ dựa theo đó mà đặt các bạn biểu diễn, đỡ mất công hỏi và trả giá, bạn đỡ ngại, khách hàng đỡ phiền. Đó mới chính là cách làm việc lâu dài và bền vững. Quan trọng hơn hết, khách hàng không cảm thấy bị “chém” khi mỗi lần gọi giá mỗi khác nhau và cứ phải lòng vòng hỏi hết người này với người khác.

 

Báo giá cho khách hàng lẻ, doanh nghiệp, người dùng cuối

Bạn có thể dùng báo giá như trên với 1 con số % giảm giá như: với khách hàng Agency, bạn sẽ giảm giá 30%. Họ sẽ dựa theo đó tự biết cách deal, bạn không thiệt thòi vì với Agency, họ làm cho cả trăm công ty mỗi năm, bớt một chút nhưng được lợi lâu dài. Còn với Agency, họ cảm thấy yên tâm vì luôn có một ca sĩ hoặc một ban nhạc phù hợp mà không cần phải hỏi tới hỏi lui và trả giá quá nhiều, đôi khi mất thời gian và mất cả mối quan hệ.

Bạn giữ 2 báo giá này, kết hợp với sồ sơ năng lực (portfolio) để làm thành 2 email riêng biệt, cứ khách hàng gọi đến, bạn hỏi họ là agency hay khách hàng trực tiếp, rồi gửi cho họ một trong 2 email này. Thường thì khách hàng trực tiếp hiếm khi làm việc với bạn, toàn Agency là nhiều. Do đó, cách làm này giúp bạn đi lâu dài và bền vững hơn, chuyên nghiệp hơn nhiều.

Kết luận

Mình cũng từng bắt đầu như các bạn, cũng từng mắc các lỗi nhỏ về hình ảnh, giao tiếp, báo giá…và cũng nhờ đó mà có nhiều kinh nghiệm, mình chia sẻ với hy vọng đóng góp chút kinh nghiệm giúp các bạn đi nhanh hơn trên sự nghiệp của các bạn, không có ý chê bai gì cả, nếu các bạn thấy hợp lý thì cứ thế làm theo, nếu thấy chưa hợp lý thì cứ góp ý với mình tại https://www.facebook.com/doannhuocquy nhé :).

Trên đây là các chia sẻ về hồ sơ năng lực từ ADAM Muzic với mong muốn giúp các bạn hiểu được cách tạo ra một hồ sơ năng lực tốt, từ đó có thể tăng thêm cơ hội nhận được các show diễn với mức cát xê tốt mà không mất nhiều thời gian cũng như các sự cố không đáng có. ADAM Muzic chúc các bạn thành công.

 

Biên soạn: Giảng viên Đoàn Nhược Quý

Giám đốc chuyên môn ADAM Muzic Academy

Giám đốc sản xuất ADAM Muzic Production

Phát hành: ADAM Muzic

Quickom Call Center