Tìm hiểu đôi nét về nhạc sĩ có bằng cấp và nhạc sĩ tự học

Cùng ADAM Muzic tìm hiểu đôi nét về nhạc sĩ có bằng cấp và nhạc sĩ tự học.

Nếu ai đã từng đi học nhạc hoặc quen biết những người học nhạc, nhạc sĩ… chắc hẳn đã từng đôi lần hỏi vu vơ “Anh học nhạc viện hả?” hay “Bạn có học trường lớp bài bản không?” hay “Em tự học hay học ở đâu?…

Hôm nay ADAM Muzic sẽ cùng bạn giải đáp những thắc mắc này và với hy vọng, sau khi đã hiểu hơn về các nghệ sĩ, bạn sẽ có những suy nghĩ khác hơn, thoáng hơn và thấu đáo hơn.

Bạn bè của mình cũng khá nhiều nghệ sĩ, nổi tiếng cũng có, thầm lặng cũng có, xuất chúng có và khá khá cũng có, tuy nhiên không ít trong số những người giỏi lại xuất thân từ những người tự học. Không ít những người học trường lớp bài bản lại thiếu sự sáng tạo và phá cách. Nói như vậy, không phải chúng ta phủ nhận hoàn toàn việc học bài bản từ trường lớp bởi thực tế, có một môi trường học tập tốt và những người Thầy có chuyên môn sâu tận tâm hướng dẫn là điều quá tuyệt vời. Rất nhiều nghẹ sĩ thành công vang dội sau khi học xong các chương trình âm nhạc từ các trường chính quy. Chúng ta hãy đi vào phân tích từng vấn đề nhé

Nhạc sĩ từ trường lớp

Trường lớp chính quy hay các trung tâm ngoài giờ?

Bạn sẽ vô cùng ngường mộ khi nghe ai đó nói rằng mình đang học ở Trường âm nhạc A, Học viện B nào đó rất ghê gớm và nghe có vẻ hàn lâm nhưng khi vô tình hay do cố ý tìm hiểu mà biết được ở ngôi trường đó cũng có các khoá học ngắn hạn 3 tháng thậm chí 1 tháng và té ngửa khi biết bạn mình chỉ học mới xong 1 khoá học rồi bước ra vỗ ngực rằng mình từ trường lớp bài bản chuyên nghiệp.

Ngược lại nếu đó là những học viên chính quy được học theo những chương trình dài hạn chất lượng với nhiều môn học khác nhau thì rõ ràng trình độ của người nhạc sĩ này khi tốt nghiệp đã có một tiêu chuẩn chung khá rõ ràng.

Cũng không ngoại trừ những bạn có tố chất, năng khiếu và học tập chuyên tâm, có thể lĩnh hội rất nhanh kiến thức từ các khoá học ngắn hạn, sau đó lại tự phát triển bản thân thêm để trở thành một nhạc sĩ tài năng dù không nhất thiết phải dành hàng năm trời rèn luyện.

Tuy nhiên việc rèn luyện hàng năm trời cũng có những giá trị của nó bởi âm nhạc là một nghệ thuật năng khiếu, cần rèn luyện rất chuyên tâm trong nhiều năm để lĩnh hội và hiểu thấu đáo các vấn đề, kiến thức và rèn luyện các kĩ thuật chuyên môn. Phải có lý do nên học âm nhạc mới phải cần đến gần chục năm trời như hệ Trung cấp 11 năm, trung cấp 9 năm, trung cấp 4 năm nhạc viện TP. HCM là một ví dụ.

doan-nhuoc-quy-dai-dien-toan-truong-phat-bieu-trong-le-tot-nghiep-2010

Trường lớp theo phong cách âm nhạc nào?

Một số bạn cũng học trường lớp bài bản và bước vào ngành với sự tự tin vững vàng và đôi khi có cái nhìn khập khiễng với những người không trường lớp chính quy. Chúng ta lại cần phải xét đến khía cạnh phong cách âm nhạc.

Một người học âm nhạc cổ điển, khi bước ra với môi trường âm nhạc hiện tại thường bị mất tinh thần, chông chênh khi nhận thấy bản thân mình bị chậm lại thậm chí thụt lùi với sự phát triển chóng mặt của âm nhạc Thế Giới và cả Việt Nam, họ phải tập thêm nhiều kĩ năng, kĩ thuật, phong cách âm nhạc mới và quan trọng nhất là phải thay đổi được tư duy của mình để dần dần hoà nhập được vào cộng đồng âm nhạc hiện tại.

Một số khác lại học âm nhạc truyền thống và tự đưa mình vào một thế giới khép kín của nhạc Cách Mạng và phục vụ cộng đồng các ban ngành đoàn thể nhà nước và các chương trình chính trị.

Một số khác hơn cũng được học các chương trình Nhạc nhẹ tại các trường chính quy nhưng mức độ “nhẹ” thế nào thì vẫn còn phải bàn nhiều vì vướng phải sự bảo thủ thậm chí cực đoan của một số giảng viên lâu năm mang nặng tâm huyết và tư duy cổ điển.

Những thể loại âm nhạc hiện đại hơn thì hiện tại ở Việt Nam gần như khá hiếm. Nếu bạn muốn học Rock, R&B, Country, Blues, Jazz, Hiphop, EDM… có lẽ bạn phải tự học hoặc chu du sang các nơi phồn hoa của xứ trời Tây mới có cơ hội học tập và phát triển.

Nói như vậy không phải chúng ta phủ nhận giá trị của hệ thống âm nhạc cổ điển, nó là cái nôi, là nền tảng vững chắc về kiến thức âm nhạc cho mọi thế hệ âm nhạc từ vài trăm năm trước đến hiện tại và cả sau này. Cả những nhạc sĩ khi đã nổi tiếng lên nhờ một thành tựu nào đó vẫn phải dành thêm nhiều năm trời nghiên cứu hệ thống nhạc lý và hoà âm cổ điển để phát triển bản thân mình lên trình độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên việc học âm nhạc cũng cần sự cởi mở đón nhận cái mới vì âm nhạc phát triển từng ngày, chúng ta không thể cứ khư khư ôm cái truyền thống, tư duy cổ điển để luôn áp đặt vào cả một nền âm nhạc mới và cho rằng âm nhạc hiện đại thiếu đi các giá trị sâu sắc.

Phương pháp giáo dục, giáo trình, giáo án của trường lớp như thế nào?

Nếu như học ở trường lớp chính quy, thêm một điều cần phải xem xét, đó là các hệ thống, phương pháp, giáo trình, giáo án của mỗi trường.

Một số người vẫn nhầm lẫn nghiêm trọng giữa giáo trình và phương pháp.

Giáo trình là nội dung kiến thức theo một hệ thống được xây dựng đáp ứng được các yêu cầu giảng dạy của mỗi trường. Có những giáo trình là một hệ thống kiến thức được xây dựng dựa trên sự góp sức và nghiên cứu của nhiều người, cũng có nhiều giáo trình lại được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức của từng cá nhân. Và tất nhiên, nhiều cái đầu giỏi tụm lại sẽ làm ra một cái tốt hơn nhiều so với chỉ một cái đầu giỏi.

Phương pháp là cách truyền đạt, giảng dạy của mỗi giảng viên. Ở những nơi có phương pháp tốt và hệ thống đào tạo huấn luyện đội ngũ giảng dạy tốt, mỗi giảng viên đều phải dạy theo một cách chung về thời lượng, nội dung, ví dụ và cách diễn đạt. Điều này dường như quá khó đối với âm nhạc khi đây là một môn năng khiếu nghệ thuật và mỗi giảng viên đều đang dạy theo hiểu biết, kinh nghiệm của mình đôi khi thiếu sự tham khảo và đối chiếu với nhiều hệ thống giáo dục tiên tiến và khoa học khác.

Giáo án là hệ thống chi tiết các bài giảng và các mục trong bài giảng do giáo viên hoặc người phụ trách chính mảng chuyên môn của trường biên soạn. Có giáo án tốt, mỗi buổi dạy, giảng viên sẽ biết chính xác cần dạy gì cho học viên của mình và mang lại hiệu quả tốt nhất trong cả một chương trình học.

nhac-si-doan-nhuoc-quy-adam-muzic-academy

 

Các chính sách về việc tạo điều kiện cho học viên thực hành biểu diễn, phát triển kĩ năng sân khấu, mối quan hệ như thế nào?

Với các trường chính quy, học viên thường được tham gia các buổi biểu diễn được chuẩn bị chu đáo với sân khấu, đèn màu và cả đội ngũ giám khảo, hướng dẫn, bộ phận hỗ trợ hùng hậu giúp học viên có cơ hội trình diễn, học tập và rút ra được nhiều kinh nghiệm quan trọng và mở rộng mối quan hệ đến nhiều nghệ sĩ, bạn bè trong cùng chuyên môn âm nhạc và cũng là những nghệ sĩ chuyên nghiệp tương lai.

Bằng cấp thể hiện trình độ ra sao?

Bằng cấp của một trường chính quy chuyên nghiệp đương nhiên không thể bàn cãi về chất lượng. Tuy nhiên, đối với ngành nghệ thuật, bằng cấp không thể quyết định con đường phát triển của bạn trừ khi bạn muốn giờ thành giảng viên, giảng dạy tại các trường chính quy và tư thục khác. Thử tưởng tượng có ai mời bạn biểu diễn cho một chương trình chỉ bởi vì bạn có bằng đại học âm nhạc? Họ chỉ mời bạn vì bạn trình diễn quá hay mà thôi. Bằng cấp trong nghệ thuật hỗ trợ bạn rất tốt cho con đường tiến thân hoặc củng cố danh tiếng của bạn nhưng sẽ không có giá trị gì to tát cho sự nghiệp biểu diễn của bạn cả.

Một điều quan trọng, bằng cấp âm nhạc và nghệ thuật ở các trường chính quy Việt Nam, do Việt Nam cấp sẽ không có giá trị cao khi các bạn cần làm việc với các môi trường quốc tế hoặc môi trường có tầm quốc tế tại Việt Nam. Dù hệ thống âm nhạc đều dựa trên các nguyên tắc chung, tuy nhiên việc học âm nhạc tại Việt Nam chủ yếu dựa trên các thuật ngữ bằng tiếng Hán Việt, tiếng Việt, tiếng Ý hoặc tiếng Pháp. Các thuật ngữ tiếng Ý thì đương nhiên vẫn hoàn toàn có thể sử dụng vì nó là thuật ngữ dùng chung (Như Tempo, Forte, Piano…). Phần lớn thuật ngữ còn lại bạn chỉ có thể dùng trong nước vì Tiếng Pháp giờ đã ít thông dụng hơn so với tiếng Anh mà phần lớn hệ thống bằng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế giờ lại do Anh phát triển và được chấp nhận ở nhiều nơi như hệ thống bằng cấp ABRSM, LCM, RSL, Trinity. Các thuật ngữ Hán Việt thì đôi khi nghệ sĩ dùng đó để giao tiếp, chứ đôi khi cũng chưa thật sự hiểu nghĩa gốc của từ. Ví dụ chữ “Tessitura” được dịch thành “Cữ âm”, hay chữ “Gam” đọc nhại lại từ chữ “Gamme” của pháp để nói về Thang âm bạn hãy cố hiểu ý nghĩa nó bằng tiếng Việt thử xem. Theo quan điểm của mình thì học âm nhạc ở trường chính quy để có được cái bằng cũng tốt, nhưng sau đó cũng nên học thêm một bằng cấp quốc tế để giúp hệ thống lại kiến thức theo ngôn ngữ và tiêu chuẩn chung mà cả thế giới đang sử dụng để còn có cơ hội làm việc với thế giới bên ngoài trong thời đại thế giới phẳng này.

Nhạc sĩ tự học

Nhạc sĩ tự học tuy không trải qua các phương pháp, giáo trình, giáo án và môi trường sư phạm bài bản, chuyên nghiệp nhưng không vì thế mà họ không đủ giỏi để làm việc chuyên nghiệp.

Một số bạn, cứ nghe đến việc tự học là suy ra ngay người này không có kiến thức sâu rộng hoặc thiếu căn bản. Thực tế có thể đúng với phần đông, bởi trong thời đại này, ai cũng có thể mua một cây guitar vài trăm nghìn rồi lên youtube xem vài video hướng dẫn hay vài trang tài liệu trên các website rồi cũng quẹt quẹt mấy cái và trả lời tự tin với bạn bè, báo chí hay người hâm bộ rằng mình tự học. Nhưng chưa chắc đúng với một bộ phận không nhỏ những nhạc sĩ có khả năng tự học rất cao và rất chuyên tâm rèn luyện, họ lại trở thành những người nghệ sĩ tài ba và đa năng trong lĩnh vực âm nhạc chẳng thua kém gì dân học âm nhạc chính quy cả.

Tự học một mình và…mò mẫm?

Việc tự học là tốt nhưng tự học theo kiểu nhà nhà tự học, người người tự học mà lại thiếu những phương pháp cụ thể sẽ khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn để hiểu các vấn đề đôi khi hết sức đơn giản. Như có lần đứa em tự tập đàn guitar đâu gần chục năm, đưa ra thế tay đánh một hợp âm “mới”mà thật ra theo hệ thống hoà âm cổ điển thì nó đã hình thành cả trăm năm trước. Các bạn tự học không tới nơi tới chốn thường bị đánh giá thấp về năng lực cũng từ đó mà ra.

Phương pháp học ra sao?

Một số bạn không có người hướng dẫn nhưng lại dành thời gian tìm ra được các phương pháp học hiệu quả và phù hợp với mình thì các bạn có thể học rất nhanh và phát triển rất nhanh. Người tự học vẫn hoàn toàn có thể củng cố học vị của mình qua các kì thi lấy chứng chỉ quốc tế mà không nhất thiết phải có mặt cả tuần tại các trường lớp chính quy.

nhac-si-doan-nhuoc-quy-du-an-live-to-sing-adam-muzic-academy

Có được ai hướng dẫn hay không?

Một số bạn tự học nếu có thêm sự hỗ trợ và hướng dẫn bởi các anh chị, bạn bè là giảng viên, nghệ sĩ hay người có chuyên môn đi trước sẽ càng phát triển nhanh hơn rất nhiều và rút ngắn được thời gian do đã được “gỡ rối” các vướng mắc cũng như lắng nghe được các chia sẻ về kinh nghiệm, việc học cũng như các kiến thức nền tảng và phương pháp học tập hiệu quả.

Một số nhạc sĩ hoặc các bạn yêu nhạc do sự nhạy bén hoặc chịu tìm hiểu thêm các phương pháp học tiên tiến thậm chí còn học nhanh và tiến xa hơn nhiều bởi ai cũng hiểu rõ các bất cập giữa khối lượng kiến thức thực tế tại các trường chính quy so với nhu cầu và sự phát triển như vũ bão của nền âm nhạc hiện nay.

Kết hợp với thực hành biểu diễn hay chỉ loanh quanh ở nhà?

Một số bạn nghệ sĩ sau một thời gian tự học tập và rèn luyện tại nhà, bắt đầu tìm cách bước vào ngành âm nhạc qua các công việc như đàn, hát đám cưới, cà phê, phòng trà, hội chợ, sự kiện lớn nhỏ. Thoạt nghe đàn và hát đám cưới một số bạn có thể xem thường nhưng có lẽ các bạn không hiểu rằng phần lớn nghệ sĩ tài năng cũng xuất thân từ những sinh viên chơi nhạc và được rèn luyện “độ nhạy tai” qua một khoảng thời gian chơi “bắt bài” trong các tụ điểm nhỏ và tiệc cưới. Nhờ một quá trình bào gọt nhanh nhẹn mà những nghệ sĩ này bắt đầu cứng hơn trong nghề, năng lực cũng từ đó mà cải thiện không nhỏ. Trong khi đó các nghệ sĩ học tại các trường chính quy thường chỉ được tham gia các buổi biểu diễn mỗi khóa 3 hoặc 6 tháng 1 lần.

Một bên không chuẩn bị nhiều nhưng diễn rất nhiều sẽ có được kĩ năng sân khấu và độ nhạy tai rất tốt. Một bên chuẩn bị rất kĩ nhưng diễn rất ít nên có được bài vở chắc chắn tinh tế nhưng thiếu các kinh nghiệm cần thiết trên sân khấu.

Có cách nào hợp thức hoá việc tự học âm nhạc?

Như đã nói ở trên, việc học âm nhạc ngày nay quá dễ dàng với internet, các khóa học online, các lớp học ngoài giờ và hàng tá sách vở. Các bạn có thể học mà không cần đến trường lớp. Việc thi cử qua hệ thống tiêu chuẩn quốc tế như ABRSM, LCM, RSL, Trinity cũng đã rất phổ cập, các bạn có thể đăng kí online và đóng tiền bằng Visa rồi đợi ngày đi thi thôi. Các cấp thi có từ vỡ lòng đến cử nhân và thậm chí hơn nữa có thể giúp bạn hợp thức hóa hoàn toàn việc học âm nhạc để trở thành một nhạc sĩ có tiêu chuẩn, được công nhận bởi hệ thống tín chỉ đa quốc gia.

nhac-si-doan-nhuoc-quy-du-an-live-to-sing-adam-muzic-academy-2

Kết luận

Nghệ sĩ Việt dù học trường lớp chính quy hay tự học cũng nên có thêm tấm bằng quốc tế lận lưng để chuẩn hóa kiến thức của mình.

Học chính quy hay tự học không quan trọng bởi cuối cùng cũng do năng lực các bạn quyết định sự thành công của bạn.

Chính quy hay tự học đều là quá trình rèn luyện bản thân, nếu biết cách học phù hợp thì chẳng cái nào thua cái nào cả.

Các nước tiên tiến có Self-learning methods để hướng dẫn tự học, Home-study để cha mẹ dạy con ở nhà. Leonardo Da Vinci cũng là một người tự học mà trở thành vĩ nhân.

Riêng mình khuyến khích các bạn dù có học trường lớp chính quy hay học ở nhà vẫn nên phát triển sự tự học của bản thân mỗi ngày và nên tìm hiểu các phương pháp học hiệu quả trước tiên.

Những môn học bạn nên học nếu muốn giỏi và phát triển trong ngành âm nhạc:

  • Lý thuyết âm nhạc
  • Cảm nhận âm nhạc
  • Lịch sử âm nhạc
  • Phong cách và thể loại âm nhạc
  • Hình thức âm nhạc
  • Kí âm và xướng âm
  • Nhạc cụ
  • Ngẫu hứng và sáng tác

ADAM Muzic chúc các bạn sớm trở thành một nghệ sĩ tài năng nhé :).

Biên soạn: Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý – Giám đốc chuyên môn Trường âm nhạc ADAM Muzic

Phát hành: ADAM Muzic

Học nhạc 1 kèm 1 - Adam Muzic

    ĐĂNG KÝ HỌC NHẠC

    Học Nhạc Đến Adam Muzic

    Khoá học mong muốn:

    *Nhớ ghi mã vùng nếu bạn ở nước ngoài

    Nếu xảy ra lỗi trong quá trình đăng ký

    Bạn vui lòng liên hệ với Adam Muzic qua SĐT

    0902.451.599 hoặc Zalo


      ĐĂNG KÝ THEO DÕI




      Nhớ ghi mã vùng nếu bạn ở nước ngoài

      Bạn thích tìm hiểu những kiến thức nào sau đây?


      Nếu bạn cần tìm một nơi học nhạc chuyên nghiệp, cùng đội ngũ giảng viên có bằng cấp, với nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong nghề. Thì hãy đến với chương trình: Học nhạc 1 kèm 1

      Adam Muzic sẽ biến việc học hát của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào:

      • Việc kết hợp những phương pháp hiện đại, khoa học sẽ giúp bạn tiếp thu những kiến thức âm nhạc một cách nhanh chóng
      • Việc đưa các ứng dụng thu âm, phần mềm đo đạt vào việc học sẽ giúp bạn quan sát được giọng hát và theo dõi sự tiến bộ của giọng hát một cách rõ ràng, trực quan
      • Hệ thống phòng thu chuyên nghiệp, hiện đại chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm học đẳng cấp

      Còn nếu bạn muốn trở thành một Ca sĩ chuyên nghiệp và muốn được học trực tiếp với Thầy Đoàn Nhược Quý – Nghệ sĩ với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ca hát và biểu diễn. Hãy đến với Chương trình “Phát triển nghệ sĩ“. Bạn sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng một cách toàn diện từ thanh nhạc, sáng tác đến sản xuất âm nhạc. Chương trình không chỉ giúp bạn nắm vững kỹ năng chuyên môn mà còn phát triển tư duy sáng tạo và một phong cách âm nhạc độc đáo.

      Hãy để Adam Muzic biến ước mơ ca hát của bạn trở thành hiện thực bạn nhé!

      Quickom Call Center