- Mix voice và Passaggio là gì?
Chúng ta đã tìm hiểu ở bài 6 “Tính chất của một giọng hát- Quãng giọng (cơ chế giọng)”, các quãng giọng gọi là voice register, được phân chia theo nhiều định nghĩa, trong đó có hai định nghĩa chính, đã đề cập trong bài 6, các bạn có thể tìm đọc lại.
Các quãng giọng- voice register này, được đề ra trong cả trường phái thanh nhạc cổ điển và hiện đại.
Trong thanh nhạc cổ điển (thường gọi là opera), người ta định nghĩa passaggio, là đoạn chuyển đổi giữa hai quãng giọng (cơ chế giọng) – voice register. Trong âm nhạc hiện đại, nhạc pop, người ta lại gọi đoạn chuyển đổi giữa hai voice register này là mix voice.
Vậy, passaggio và mix voice đều là tên dùng để chỉ đoạn chuyển đổi giữa hai quãng giọng (cơ chế giọng) – voice register, người ta còn dùng từ bridge (cây cầu nối) để gọi loại giọng này. Dĩ nhiên là đối với hai trường phái khác nhau, âm sắc tiêu biểu của giọng hát cũng khác nhau, tuy vậy có thể thấy là đoạn chuyển đổi giữa các voice register đều được các trường phái nhận thấy, đề cập đến và luyện tập.
- Cách nhìn nhận về mix voice và nguyên tắc hoạt động của nó:
Cụ thể passaggio hay mix voice là sự chuyển đổi cơ chế giữa giọng nói thường (giọng ngực) và giọng gió falsetto hoặc là giọng óc headvoice.
Có nhiều cách để phân chia và nhìn nhận mix voice-passaggio, được nhiều trường phái, nhà nghiên cứu, giảng viên, và học sinh nhìn nhận và thực hành khác nhau. Nhưng nhìn chung họ vẫn nhận thức và luyện tập trong đoạn chuyển nói trên. Ở đây mình liệt kê một số cách nhìn nhận thường gặp. Cách 1 và cách 2 được nhìn nhận theo sự cảm nhận đơn thuần của người học, người dạy, còn cách 3 được tổng hợp từ số liệu của một số nghiên cứu khoa học.
Cách 1:
Có thể nhìn nhận rằng giọng nam hay nữ thường trải qua hai đoạn bridge. Người ta đơn giản dựa vào việc cảm nhận thấy các nốt ở hai khoảng này khi hát rất dễ vỡ, chênh, rớt nốt, hoặc bị lật sang cơ chế giọng khác. Trường phái này quan tâm về khoảng nốt nào xảy ra đoạn chuyển, chứ không đánh giá phân chia màu sắc của đoạn chuyển kĩ càng như cách 2.
Đoạn bridge đầu tiên gọi là lower middle hoặc primo passaggio (khoảng nốt của các đoạn bridge này cũng được ghi nhận khác nhau theo quan điểm của các trường phái).
Đoạn bridge thứ hai gọi là upper middle hoặc secondo passaggio. (khoảng nốt của các đoạn bridge này cũng được ghi nhận khác nhau theo quan điểm của các trường phái).
(Còn tồn tại một đoạn bridge chưa chính thức vẫn đang nằm trong tranh cãi gọi là zona di passaggio, bởi vì chưa chính thức nên mình không đề cập tại đây, các bạn có thể lên mạng tìm đọc thêm).
Primo passaggio và Secondo passaggio theo nhìn nhận của một số trường phái.
Nguồn ảnh: kyleferrill.com
Có một số trường phái không phân biệt upper hay lower middle, hoặc là primo hay secondo mà đơn giản chỉ nhìn nhận một khoảng nốt gọi là passaggio hoặc mix voice.
Nguồn ảnh: youtube
Cách 2:
Có một số người nhìn nhận mix voice dựa vào âm sắc của âm thanh, thịnh hành ở trường phái nhạc nhẹ hiện đại. Đầu tiên là họ nhìn nhận một khoảng nốt mà ở đó, người hát dễ bị lệch nốt, vỡ, rớt cao độ, khó kiểm soát. Sau đó, xét âm thanh trong khoảng nốt trên mang âm sắc như thế nào.
Khi mix voice có âm sắc nổi trộn của giọng ngực, có độ dày và mạnh, người ta gọi là chesty mix
Khi mix voice có âm sắc lưng chừng, cân bằng giữa độ dày mạnh của giọng ngực, và độ bén, mỏng, sáng của giọng gió, giọng óc, người ta gọi là Balanced mix, hoặc là even mix.
Khi mix voice có âm sắc nổi trội của giọng óc, độ dày không nhiều, nhưng bén rõ, mỏng sáng, và linh hoạt, người ta gọi là heady mix.
Một số trường phái chia nhỏ mix voice thành những kiểu dựa trên âm sắc của âm thanh mix voice đó.
Chú ý: Đặc biệt ở cách 2 là những nhìn nhận khác nhau, và mang tính chủ quan đặc trưng, đơn giản là bởi vì âm thanh có tính sinh lý, cũng như tai người có tính sinh lý, cùng một âm thanh có thể được cảm nhận khác nhau qua từng người. Một âm thanh với người này là chesty mix người khác lại có thể cảm nhận nó là heady mix, rất khó để nói ai đúng.Bởi vậy mà những cuộc cãi nhau với nội dung đây là giọng mix voice gì, giọng balance mix là tốt hơn chesty mix và heady mix phải không, là không hữu ích và không có căn cứ. Đơn giản là người hát đang thực hiện chuyển đổi cơ chế giọng, họ có phong cách cũng như là âm sắc riêng trong giọng hát, không ai có thể giống ai.
Theo cách 1 và cách 2 nhìn nhận, thì việc luyện tập chính là chú trọng việc người hát có thể nắm bắt cảm giác, hát qua đoạn brigde mà không bị chênh, rớt nốt, hụt hơi, và vỡ tiếng. Ở cách 3, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn theo góc nhìn khoa học.
Cách 3: Khoa học nhìn nhận các quãng giọng, sự chuyển đổi quãng giọng, passaggio và mix voice như thế nào:
- Một số nghiên cứu của các nhà bệnh lý học về thanh quản, cũng như những nhà nghiên cứu về thanh nhạc – researcher (nghề này khác với giáo viên dạy thanh nhạc và ca sĩ), họ nhìn nhận quãng giọng, cơ chế giọng, mix voice dựa trên các đại lượng:
- Tỉ lệ hoạt động của cơ nhẫn giáp CT và cơ giáp phễu TA (ratio CT/TA) – xét xem cơ nào đang hoạt động mạnh mẽ hơn so với cơ còn lại.
- Áp suất dưới dây thanh và lượng hơi thổi qua thanh quản (glottal resistance và airflow).
- Sự kết nối, độ đóng trong lúc phát âm của hai dây thanh.
Cụ thể nguyên tắc hoạt động:
a. Tỉ lệ cơ CT:TA sẽ ngày càng lớn theo cơ chế thay đổi từ nặng đến nhẹ. Ví dụ: chest voice -> mix voice -> head voice. Mix voice nói chung là trạng thái phát âm, hát mà ở đó cơ CT và TA có tỉ lệ hoạt động không quá chênh lệch, lưng chừng ở giữa (như trong hình dưới đây mix voice nằm trong khoảng từ 1.00-2.00, từ 2.25 thì hoàn toàn chuyển sang headvoice).
Tỉ lệ hoạt động cơ CT:TA ở giọng chest voice, chesty mix và headvoice.Cơ chế càng nặng thì tỉ lệ CT:TA nhỏ (chest voice), cơ chế càng nhẹ thì tỉ lệ CT:TA càng lớn (headvoice), điều này chứng tỏ cơ chế nhẹ thì cơ CT chiếm ưu thế, cơ chế nặng thì cơ TA chiếm ưu thế
Nguồn ảnh và link tham khảo:
https://ir.uiowa.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=4994&context=etd
(các bạn vui lòng search tên bài viết sau khi bấm vào link)
Bài viết “Thyroarytenoid and cricothyroid muscular activity in vocal register control” – Hoạt động của cơ giáp phễu và cơ nhẫn giáp trong việc điều khiển quãng giọng, cơ chế giọng, tác giả Darcey M Hull, Trường đại học Iowa.
b. Áp suất dưới dây thanh sẽ nhiều nhất ở cơ chế giọng nặng và giảm dần theo cơ chế giọng nhẹ dần. Mặt khác, lượng hơi thổi qua thanh quản sẽ giảm khi chuyển dần từ chest voice sang mix voice và nhiều dần theo cơ chế giọng nhẹ dần đến falsetto.
=> Điều này chứng tỏ rằng muốn thực hiện mix voice hay passaggio thì phải học tiết chế hơi thở.
Lượng khí qua thanh quản ở ba loại giọng chest, falsetto và mix, trong đó falsetto sử dụng nhiều hơi qua thanh quản nhất.
c. Sự kết nối và độ đóng của hai dây thanh nhiều nhất ở cơ chế nặng chest voice và giảm dần cho đến cơ chế nhẹ falsetto, trong đó mix voice – passaggio có sự kết nối vừa phải, độ đóng vừa phải.
Chest voice có độ đóng chặt nhất, mix voice có độ đóng vừa phải, falsetto có độ hở nhiều nhất.
Nguồn ảnh và link tham khảo của phần b,c
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0892199720304860?dgcid=rss_sd_all
Bài viết “Differences Among Mixed, Chest, and Falsetto Registers: A Multiparametric Study” – Những sự khác biệt đối với giọng ngực, giọng pha, và giọng gió, nghiên cứu trên đa dạng đại lượng.
=> Vậy có thể thấy được theo cách 3, dựa trên các số liệu thống kê đo đạc của nhiều nghiên cứu, passagio và mix voice đơn giản là sự lưng chừng của tỉ lệ hoạt động cơ CT và TA, áp suất dưới dây thanh, lượng hơi thông qua thanh quản, và độ đóng dây thanh, chúng đều ở trạng thái lưng chừng. Cho nên chúng ta luyện tập mix voice – passaggio, nghĩa là luyện tập để đạt sự lưng chừng vừa phải của những đại lượng này.
Kết luận:
Dù nhìn theo cách 1, 2 hay 3 thì người ta cũng có thể thấy được mix voice – passaggio là một kiểu giọng lưng chừng giữa chest và head voice. Ở đoạn chuyển giọng này, người ta phải làm cách nào đó, để chuyển đổi từ giọng chest voice sang head voice một cách mượt mà.
Trong đó cách 2 có tính chính xác ít nhất, bởi vì âm thanh và tai nghe có tính sinh lý, nên không thể kiểm chứng và áp đặt cảm nhận của người này sang người khác. Cách 1 quan trọng sử dụng quan sát và kinh nghiệm để ghi chép lại khoảng nốt mà tại đó xảy ra chuyển giọng, rồi luyện tập thường xuyên và cảm nhận cảm giác của người hát tại đoạn chuyển đó, làn hơi ra sao, các cơ hoạt động như thế nào, “vị trí âm thanh” ra sao,… Cách 3 có ưu điểm là tổng hợp số liệu từ những thí nghiệm, đo đạc cụ thể rõ ràng, nhưng lại không quá đề cập đến cảm giác của người hát khi thực hiện mix voice.
Theo như cách nhìn nhận của cá nhân mình qua quá trình hát và làm việc, nên kết hợp cách nhìn 1 và 3 (đồng thời chỉ nên tham khảo qua cách 2). Khi tập phải đọc hiểu về khoa học, lúc thực hiện mix voice các cơ đang hoạt động ra sao, áp lực dưới dây thanh như thế nào,… và song song chú trọng cảm nhận cảm giác của cơ thể.
Trong những bài kế tiếp, mình sẽ đề cập những điều nên làm và không nên làm khi hát mix voice – passaggio, giúp các bạn luyện tập thuận tiện hơn.
=> Cuối cùng, Mix voice – Passaggio là một vấn đề gây tranh cãi, sự cảm nhận về nó đa dạng và khác nhau. Sai lầm khi tiếp cận mix voice không phải ở phương pháp thực hiện mà có thể là sự máy móc, và không linh hoạt trong suy nghĩ, tranh cãi không có mục đích, trong khi mix voice có lẽ vốn là một trạng thái vô cùng linh hoạt. Mình hy vọng kinh nghiệm chủ quan và những bài tập của mình trong phần tiếp theo có thể giúp cho các bạn tưởng tượng, cảm nhận và góp phần trong việc tập luyện thành công mix voice- passagio của các bạn.
Tác giả: Nhật Thanh
Nguồn tổng hợp