Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Nhạc cổ phong, album Ngô Đồng và tác phẩm điện ảnh Phượng Khấu

Nhạc cổ phong, album Ngô Đồng và tác phẩm điện ảnh Phượng Khấu

Nhạc cổ phong là một khái niệm khá xa lạ với đại đa số khán giả nhưng nó lại không khó hiểu. Đọc qua cái tên chúng ta có thể thấy đây là những bản nhạc, ca khúc mang màu sắc cổ xưa, chủ yếu được sáng tác với chất liệu là ngũ cung và ca từ mang đậm tính ước lệ với nhiều từ Hán Việt. Từ rất lâu, khán giả Việt Nam đã rất quen thuộc với rất nhiều các tác phẩm nhạc Hoa lời Việt nên khi nghe các ca khúc cổ phong Việt Nam dễ bị có cảm giác giống nhạc Hoa trong các phim cổ trang vì đều cùng một chất liệu là ngũ cung. Tuy nhiên ngũ cung Việt Nam được đặt để bởi các tài nhân để cho ra đời những giai điệu rất riêng.

Trước đây đã có rất nhiều ca khúc mang màu sắc cổ phong (thường được viết cho nhạc phim bối cảnh cổ trang) như: Cánh Hoa Tàn trong phim Mẹ Chồng, Mình Yêu Nhau Từ Kiếp Nào trong phim Ai Chết Giơ Tay,… Tuy nhiên, các ca khúc này chỉ đang dừng lại ở việc sử dụng ngũ cung làm chất liệu sáng tác, chưa có sự  trau chuốt ca từ cổ điển tao nhã, cách dùng từ đều đặn, có trật tự và được trau chuốt giống như bài thơ cổ (có vần, nhịp, sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng, dùng từ cổ, điển cố, tả cảnh tả tình, số câu chẵn),… Cho đến khi có sự ra đời của album Ngô Đồng của ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung, tập hợp những ca khúc rất hay, đậm chất cổ phong trong tác phẩm điện ảnh Phượng Khấu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.

Phim Phượng Khấu
Album Ngô đồng – ca sĩ Nguyễn Hông Nhung

để hiểu hơn về những ca khúc rất hay trong album này, chúng ta hãy tìm hiểu về những ca từ, hình ảnh có trong các ca khúc nhé. Thông qua đó chúng ta có thể hiểu hơn về những nét văn hóa đáng tự hào của người Việt chúng ta ở triều đại gần nhất trong phong kiến: triều Nguyễn. Trong bài viết này mình sẽ phân tích hình ảnh trong 2 ca khúc được xem là gắn bó nhiều nhất với bộ phìm: Ngô Đồng và Phượng Khấu

Ngô Đồng

Ca khúc Ngô đồng cũng là tên của album của ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung. Qua giọng ca mượt mà, tinh tế và đầy cảm xúc của ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Ngô đồng đã tạo nên một hiện tượng khi hàng nghìn bản cover liên tục xuất hiện. Ca khúc được sáng tác từ thơ của nhà thơ Huỳnh Tuấn Anh và phần giai điệu của nhạc sĩ Jang Nguyễn. Ngay trong tên ca khúc, chúng ta đã bắt gặp một hình ảnh lạ mà quen, quen mà lạ. Đó chính là hình ảnh cây ngô đồng.

Cây ngô đồng được nhiều bạn, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu ngây ngô là là cây ngô ngoài đồng. Thực ra, ngô đồng là cây thân gỗ có thể ra hoa, kết quả được trồng nhiều ở Trung Quốc và các nước Đông Á trong đó có nước ta, Ở những vùng nông thôn cây được trồng rất phổ biến như là một loại cây cảnh (loại ngô đồng cảnh) và làm thuốc với thân lá và rễ. Cây ngô đồng còn có các tên gọi khác như tơ đồng, bo xanhbo rừng. Cây ngô đồng là loài cây thuộc họ Cẩm quỳ, được đặt tên khoa học là Firmiana simplex. Trong đại nội Huế ngày nay còn rất nhiều cây ngô đồng rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Dưới đây là hình ảnh cây ngô đồng thân gỗ trong đại nội Huế và cây ngô đồng cảnh – có lẽ sẽ quen thuộc với các bạn đọc giả hơn.

Cây ngô đồng trong đại nội Huế
Cây ngô đồng cảnh

Nhắc đến cây ngô đồng và âm nhạc ngũ cung thì mình cũng đã từng viết một bài viết khá chi tiết về Ngũ Cung. Các bạn hãy xem tại đây để hiểu hơn về ngũ cung nhé.

“Lá ngô đồng rơi giữa hoàng thành mong manh”

Hoàng thành – Hoàng thành Huế hay còn được gọi là Đại Nội, là vòng thành thứ 2 bên trong kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất, các miếu thờ tổ tiên của bậc đế vương nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành. Hoàng thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình.

Trong đó, Ngọ Môn là một địa danh nổi tiếng của hoàng thành Huế, cũng xuất hiện trong ca khúc Ngô Đồng. Ngọ Môn là cổng chính phía nam của hoàng thành Huế. Hiện nay là một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong quần thể di tích cố đô Huế. Ngọ Môn – có nghĩa là “cổng tý ngọ” – hướng về phía nam, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc dùng khi tiếp đón các sứ thần.

Hoàng thành Huế – Ngọ môn về đêm

“Nhã nhạc buồn ai hát dứt đoạn tơ lòng”.

Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 07/11/2003, non nước Thần Kinh đón nhận một vinh quang lớn, đó là NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ  được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại. Trong suốt hơn một thập kỷ, Nhã nhạc cung đình Huế nắm giữ vai trò là quốc nhạc, nhằm tăng thêm sự trang trọng, quyền quý cho các tế, lễ trong cung đình.  Chính vì vậy các triều đại phong kiến ngày xưa rất chú trọng việc phát triển loại hình âm nhạc này nhằm khẳng định vị thế của một vương triều trường tồn, lớn mạnh.

Khác với âm nhạc trong dân gian, Nhã nhạc cung đình Huế là một loại hình âm nhạc bác học mang tính chính thống. Nhã nhạc cung đình Huế có quy mô tổ chức và biểu diễn rất lớn với những quy định về nội dung, cách diễn xướng, trang phục,… vô cùng chặt chẽ. Chính vì những lý do đó mà khái niệm về Nhã nhạc không chỉ có riêng ở VIệt Nam mà còn xuất hiện ở triều đình Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản,… Mình đã việt một bài viết rất cụ thể về Nhã nhạc cung đình Huế, quý đọc giả có thể click vào đây để tìm hiểu thêm nha

Nhã nhạc cung đình

“Cuối đoạn trường lang, thấp thoáng dáng ai”

Đa số chúng ta sẽ dễ hiểu sai nghĩa của cụm từ “Đoạn trường lang” vì tách sai chữ. Nếu hiểu đúng sẽ là Đoạn – Trường Lang (1), chứ không phải Đoạn Trường – Lang (2).

Nếu tách theo kiểu (2) Đoạn Trường – Lang cũng có chút hợp lý. Đoạn Trường là từ chỉ sự đau đớn rứt ruột rứt gan. Lang la người chồng. Khá phù hợp với nội dung ca khúc. Nhưng khi ghép lại thì vô nghĩa. Còn nếu hiểu theo kiểu (1) Đoạn – Trường Lang thì sẽ chính xác hơn. Đoạn: dễ hiểu là 1 đoạn đường.- Trường Lang chính là hành lang dài. Là con đường có mái hiên chạy dài kết nối các nơi trong cung cấm hoặc đơn giản là các phần 1 ngôi nhà xưa. Cả câu hát “Cuối đoạn trường lang thấp thoáng ai…” lúc này sẽ hợp lý. Ngày xưa phụ nữ nói chung và phi tần hậu cung nói riêng càng phải tuân thủ nữ tắc, nữ huấn. Khuê môn bất xuất, không bước ra khỏi cửa. Người chồng, đồng thời là bậc đế vương khi rời cung của 1 phi tần, người phi tần đó chỉ có thể tiễn tứ lang của mình ra đến cửa phòng và nghiêng người nhìn theo bóng chồng mình xa dần xa dần theo lối trường lang. Chứ không thể chạy theo và níu kéo người chồng của mình. Các bạn sẽ gặp rất nhiều hình ảnh các phi tần cung cấm khi muốn chạy theo đức lang quân dù lòng dậy sóng đến mấy cũng phải dùng tay nắm vào cửa phòng để tự níu chân mình lại. Vì chỉ có thể đứng ngóng theo nên dùng chữ Thấp Thoáng là hợp lý.

Trường lang đại nội Huế

Phượng Khấu

Phượng khấu là tên của bộ phim đồng thời cũng là một ca khúc đình đám. Xuyên suốt cả nội dung ca khúc là những ca từ, hình ảnh kinh điển thường thấy trong các phim cổ trang nhưng quen thuộc và dễ hiểu. Chỉ duy nhất tiêu đề ca khúc mới là hình ảnh mang nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử và giá trị nhân văn nhất.

“Phượng Khấu” là một từ Hán Việt, được hiểu là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, cài lên hai vạt áo Nhật bình. Tương truyền khi Từ Dụ Thái hậu còn trẻ, vẫn còn là phủ thiếp của Trường Khánh công (tức vua Thiệu Trị sau này). Một ngày nọ, khi yết bái Nhân Tuyên Hoàng thái hậu, Phạm Thị Hằng và Nguyễn Thị Nhậm được Thái hậu ban một chiếc cúc áo vàng, một cái chạm hình phượng, một cái chạm hình cành hoa, nhưng đều được bao kín, Hoàng Thái hậu khấn rằng: “Ai được cúc áo chạm hình phượng, thì người đó có con trước”.

Rồi Thái hậu sai thị nữ đưa cho Hoàng hậu và Lệnh phi chọn bao, nhưng không được mở ra, để thế mà dâng lên, Hoàng hậu nhường bà Lệnh phi chọn trước. Khi mở ra, bà Lệnh phi được cúc chạm hoa, Hoàng hậu được cúc chạm phượng. Quả nhiên bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa vào năm 15 tuổi, một năm sau khi tiến cung. Và đây cũng là lúc những bi kịch trong chốn hoàng cung trổi dậy. Là một bộ phim mang màu sắc cung đấu nên chiếc cúc áo hình phượng – vật phẩm khơi màu cuộc chiến chốn hậu cung- được dùng để làm tựa phim thì quả thật rất phù hợp

Phượng khấu – cúc áo hình phượng trên áo nhật bình

Phim Phượng Khấu và album Ngô Đồng thực sự là 2 dự án nghệ thuật rất đáng xem. Hai dự án như hòa cùng một nhịp khi đều lưu mang một sứ mệnh là lưu giữ, truyền tải và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân quý trong kho tàng lịch sử Việt Nam. Trước sự xâm lấn và phát triển rộng rãi và ngày càng trở nên bám sâu vào tinh thần các thể hệ sau của nền văn hóa khác, đặc biệt là Trung Quốc thì Phượng Khấu và Ngô Đồng đã và đang đi một bước đường rất chông gai nhưng vô cùng quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong việc vực dậy, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc của bao thế hệ. Chúng ta hãy nhớ rằng, cuộc chiến văn hóa cam go, nguy hiểm hơn vạn lần cuộc chiến vũ trang. Ngày chúng ta bị đồng hóa là lúc nước Việt sẽ không còn.

Các bạn có thể nghe trọn vẹn album Phượng Khấu tại đây

Trailer Phượng Khấu

Biên soạn: Nguyễn Tường Quân

Phát hành: ADAM MUZIC

Quickom Call Center