Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Trường ca trong nhạc Việt

Trường ca trong nhạc Việt

Trường ca!

Ngay cái tên cũng đã làm chúng ta hình dung đây là những tác phẩm âm nhạc dài theo đúng nghĩa đen của nó. Trường ca không hẵn là một ca khúc dài, mà còn có thể là một tổ hợp nhiều ca khúc được liên kết với nhau một cách chặt chẽ và có chủ đích thành một tổng thể hài hòa.

Trường ca là một loại hình tác phẩm thể hiện rất rõ trình độ của người sáng tác vì nhiều lý do. Một là vì trường ca quá dài nên việc nuôi ý tưởng, tìm chất liệu, ngôn từ, hình ảnh,..cho cả một tác phẩm đã là một khó khăn. Thứ hai, chính là cũng vì trường ca thường rất dài nên đòi hỏi người nhạc sĩ phải có kiến thức uyên thâm để viết ra nhiều đoản khúc vừa phải làm phong phú tai người nghe nhưng vẫn đảm bảo sự liền mạch cho ca khúc. Cuối cùng, khó khăn là ở việc người nghe khó mà thuộc hết trường ca như những ca khúc thông thường.

Trường ca có thể được xem là một kỳ tích của nền tân nhạc Việt Nam vì trường ca trước đây chỉ xuất hiện trong văn học và được hiểu là một tác phẩm văn học vĩ đại với số lượng chữ khổng lồ. Ví dụ như Sử Thi Ramayana, Sử Thi Odyssey hay Bình Ngô Đại Cáo, Kim Vân Kiều Truyện mà chúng ta đã biết qua khi ngồi ghế nhà trường.

Kỳ tích thì thường ít nhưng lại rất chất lượng. Điều đó không hề sai khi chúng ta có những trường ca đã để lại danh tiếng lẫy lừng cho những nhạc sĩ sáng tác ra chúng. Chúng ta thử điểm qua một vài đại tác phẩm ấy nhé.

Thiên Thai – Văn Cao

Thiên Thai là một ca khúc vĩ đại của cố nhạc sĩ Văn Cao. Đây có thể xem là ca khúc ngắn nhất trong các trường ca của nền âm nhạc Việt Nam. Tuy vậy nó vẫn dài đến 100 ô nhịp và liên tục chuyển điệu, dịch tông. Bên cạnh đó cách dùng từ hết sức hoa mỹ đã mang đến cho ca khúc một vẻ thần tiên như chính câu chuyện tạo cảm hứng cho cố nhạc sĩ viết ra ca khúc này.

Trong quyển U Minh Lục có câu chuyện về 2 người tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào rừng hái thuốc. Khi đến bên bờ suối trong rừng, họ gặp hai người con gái xinh đẹp, hai cô gái này chính là tiên nữ. Hai nàng tiên đã níu chân các chàng trai sống bên mình suốt nửa năm. Một ngày nọ hai chàng trai thấy nhớ nhà da diết nên cáo biệt quay về cố hương thì hồng trần đã quá vạn năm. Giờ đây người nhà của họ đã có đến mấy đời con cháu. Đây chính là những ý tưởng ban đầu được thai nghén cho ca khúc Thiên Thai.

Sau đó vào năm 1940 khi cố nhạc sĩ Văn Cao trong một lần đến thăm xứ Huế, đi thuyền trên sông và nghe ca trù. Trước không gian thơ mộng cùng sự ma mị của lời ca tiếng hát, ông đã liên tưởng đến câu chuyện hai chàng trai Lưu Thần, Nguyễn Triệu và cảm tác ra ca khúc Thiên Thai.

Thiên Thai – Văn Cao

Nhắc đến nhạc Văn Cao thì không thể không nhắc đến nữ danh ca Ánh Tuyết. Với chất giọng thanh cao, réo rắc như tiếng suối trong thì quả là tuyệt vời để thể hiện tuyệt phẩm Thiên Thai. Bên cạnh đó, đối lập hoàn toàn chính là giọng ca nữ danh ca Hoàng Oanh. Với chất giọng trầm khàn đầy ma mị, bà mang lại một Thiên Thai hoàn toàn mới lạ nhưng vô cùng ấn tượng.

Nữ danh ca Ánh Tuyết
Nữ danh ca Hoàng Oanh

Trường Ca Sông Lô – Văn Cao

Đây là một trong số ít những bài trường ca được người đời gọi hai chữ Trường Ca đi kèm trong tên ca khúc. Bởi một phần đây là ca khúc quá nổi tiếng, gần như là một chữ ký vàng son của nhạc sĩ Văn Cao trong sự nghiệp sáng tác vĩ đại của mình. Trường ca sông Lô là một ca khúc bất tử đầy bi tráng được sáng tác khi nhạc sĩ tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh và chiến thắng vang dội của quân đội Việt Nam dọc bờ sông Lô.

Để nói về cố nhạc sĩ Văn Cao tại chiến trường sông Lô là cả một câu chuyện rất dài, đầy những hiểm nguy và cảm xúc mãnh liệt. Chúng ta có thể tìm hiểu thật kỹ thông quá các trang internet để hiểu rõ hơn. Nếu mình kể ra ở đây thì không biết khi nào mới được giới thiệu ca khúc kế tiếp. Chúng ta thưởng thức Trường Ca Sông Lô nhé

Trường Ca Sông Lô – NSND Quang Thọ

Các nhà phê bình âm nhạc đánh giá rằng Trường Ca Sông Lô không thua bất cứ tác phẩm cổ điển vĩ đại, những vở kịch opera hoành tráng của người xưa. Mà quả thật vậy, với một người tài sơ học thiển như mình thì Trường Ca Sông Lô quả là một bài hát vĩ đại có thể làm khó bất cứ nghệ sĩ thính phòng nào.

Trường Ca Con Đường Cái Quan – Phạm Duy

Trường Ca Con Đường Cái Quan là một tuyệt phẩm trong các tuyệt phẩm vì độ dài của tác phẩm cũng như sự uyên bác của người nhạc sĩ tài hoa đã thể hiện rất rõ khiến ai cũng thán phục.

Để phân tích cái hay của đại tuyệt phẩm này thì mình đành hẹn các bạn độc giả một bài viết khác dành riêng cho nó. Ca khúc bao gồm 19 đoản khúc có thể hát riêng như từng ca khúc. Trải dài từ Bắc vô Nam như chính chiều dài đất nước Việt. Ca khúc mang trong mình cả một nền văn hóa phong phú của ba miền Bắc Trung Nam được thể hiện rất rõ qua ca từ và thể loại âm nhạc.

Ca khúc gồm 3 phần chính.

Từ miền Bắc với các đoản khúc: Anh đi trên đường cái quan – Tôi đi từ ải Nam Quan – Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa – Người về miền xuôi – Này người ơi – Tôi đi từ lúc trăng tơ

Đến miền Trung vời các đoản khúc: Ai đi trong gió trong sương – Ai vô xứ Huế thì vô – Ai đi trên dặm đường trường – Nước non ngàn dặm ra đi – Gió đưa cành trúc la đà – Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo

Vào miền Nam với Anh đi đường vắng đường xa – Nhờ gió đưa về – Đi đâu cho thiếp theo cùng – Đèn cao Châu Đốc gió độc Gò Công – Cửu Long Giang/Về miền Nam – Giã ơn cái cối cái chầy/Về miền Nam – Đường đi đã tới

Như mình đã giới thiệu, cái hay của Trường Ca Con Đường Cái Quan chính là nó thể hiện được học thức uyên thâm của người nhạc sĩ. Các ca khúc miền Bắc được sáng tác với giai điệu hào hùng của những người khai thiên lập địa thuở non sông còn ban sơ. Các thể loại đặc trưng âm nhạc của miền Bắc được tác giả đem vào rất tài tình.

Đến miền trung, cũng bằng những thể loại âm nhạc đặc trưng xứ Trung kỳ cùng giai điệu đầy lưu luyến, xót xa đã diễn tả được cái tình của con người và cuộc sống nơi đây.

Vào miền Nam với chất nhạc dân ca nam bộ, hò kết hợp với tiết tấu mới mẻ của âm nhạc tây phương đã khắc họa rõ cái sự yêu đời, phóng khoáng và niềm hy vọng vào một cuộc sống rực rỡ ở tương lai như đúng tính cách của người miền Nam.

Chúng ta thưởng thức nhé

Và dưới đây là một trong những trích đoạn trong đại trường ca này có thể giúp các bạn đọc giả hình dung cái hay của ca khúc một cách dễ dàng hơn. Một tác phẩm mình phải công nhận về sự đầu tư và sự chỉnh chu của màn trình diễn này của Thúy Nga Paris By Night

Đây là 3 đại tác phẩm đầu tiên mình xin chia sẻ cùng các bạn. Trong bài sau mình sẽ tìm hiểu về các đại tác phẩm mà quy mô của những ca khúc ấy tương đương như Con Đường Cái Quan trở lên.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết và nhớ đón đọc bài viết sau để thấy tự hào nhiều hơn về âm nhạc Việt Nam hơn nữa nhé.

Biên soạn: Quân Nguyễn

Phát hành: ADAM MUZIC

Quickom Call Center